"Thế trận lòng dân" nơi phên giậu

07/03/2021
(GLO)- Cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch bệnh và tự nguyện tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, người dân trên khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai đã đoàn kết tạo thành phòng tuyến vững chắc, xứng đáng là phên giậu của Tổ quốc.
 
Tạo phòng tuyến trong phòng-chống dịch bệnh
 
Ông Rơ Lan Vân-Trưởng thôn Nú (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) cho biết: Thời gian qua, người dân trong làng luôn thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng-chống dịch Covid-19. Bà con khi đi ra ngoài đều đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn; đồng thời hạn chế tụ tập đông người, nếu có ma chay cũng tổ chức đơn giản, nhanh chóng.
 
Đặc biệt, với một số trường hợp đi lao động ở các tỉnh, thành phố khác khi về đều chấp hành nghiêm việc khai báo y tế. 239 hộ dân trong làng đều đã ký cam kết thực hiện tham gia đấu tranh, tố giác hoạt động xuất-nhập cảnh trái phép. 
1.jpg
Già làng cùng lực lượng Công an, Biên phòng, dân quân tuần tra trên tuyến biên giới huyện Đức Cơ. Ảnh: Anh Huy
Tương tự, tại xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông), người dân cũng thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch-cho hay: Xã đã thành lập và duy trì 1 tổ phản ứng nhanh, 7 tổ cộng đồng tại thôn, làng, doanh nghiệp để giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác phòng-chống dịch. Riêng với những hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xã cử cán bộ xuống tận nơi để cấp phát khẩu trang y tế.
 
“Thời gian qua, trên địa bàn xã có 3 trường hợp đưa đi cách ly y tế tập trung và 5 trường hợp cách ly theo dõi tại nhà. Đối với những trường hợp cách ly tại nhà, hàng ngày xã đều cử các lực lượng xuống nắm tình hình, kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch”-Chủ tịch UBND xã Ia Púch thông tin thêm.
 
Đại tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Thời gian qua, các đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn tích cực cùng chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác biên phòng. Bên cạnh đó, các đơn vị còn phối hợp cùng địa phương triển khai nhiều hoạt động giúp dân phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới. Qua đó, củng cố thêm niềm tin của người dân và xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Để tạo thành phòng tuyến vững chắc trong công tác phòng-chống dịch bệnh, các hộ dân trên khu vực biên giới cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 và đấu tranh, ngăn chặn, tố giác các hoạt động nhập cảnh trái phép. Cụ thể, khi phát hiện người lạ hoặc ở vùng dịch trở về địa phương, người dân thông báo ngay cho chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng biết để có hướng xử lý kịp thời. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao hiểu biết về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh cũng như hậu quả, tác hại của hoạt động nhập cảnh trái phép, nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới; không tiếp tay đưa đón người ở nước láng giềng hoặc người từ vùng dịch trở về bất hợp pháp, không tự ý qua lại biên giới khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền...

Củng cố thế trận biên phòng toàn dân
 
Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, nhiều năm qua, đội ngũ già làng, trưởng thôn, người uy tín trên khu vực biên giới của tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong giữ gìn và bảo vệ an ninh vùng biên. Già làng Rơ Châm Hloăk (làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai) cho biết: “Mình luôn kêu gọi bà con đoàn kết, chăm chỉ lao động, đừng nhẹ dạ tin vào những lời lừa phỉnh, xúi giục của kẻ xấu. Muốn có xe máy, có ti vi thì phải học cách làm hay, chăm sóc cây điều, cây mì, cây lúa cho tốt, năng suất cao”.
 
Theo già Hloăk, nhận thức của người dân trên khu vực biên giới ngày càng được nâng lên. Nhiều người đã và đang trở thành những “cột mốc” vững chãi nơi vùng biên.

1-(1).jpg
Những năm qua, già làng, người có uy tín luôn tích cực tham gia cùng các lực lượng trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Ảnh: Anh Huy
Theo thống kê, khu vực biên giới của tỉnh hiện đang duy trì có hiệu quả 65 tổ tự quản và có hơn 10.000 hộ đăng ký tham gia tự quản an ninh trật tự thôn, làng và gần 4.000 người đăng ký tự quản đường biên, cột mốc. Các tổ tự quản được xem là “cánh tay nối dài” giúp cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng nắm bắt tình hình an ninh trật tự thôn, làng cũng như an ninh khu vực biên giới.
 
Ông Hồ Đình Kỳ-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) cho hay: Toàn xã có 7 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng và 4 tổ tự quản đường biên, cột mốc. Thành viên các tổ tự quản đều nhiệt tình tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm bắt tình hình và giúp duy trì an ninh trật tự tại thôn, làng… Thành viên các tổ tự quản đường biên, cột mốc thời gian qua đã tích cực nắm tình hình, cung cấp nhiều thông tin có giá trị về người, phương tiện ra vào khu vực biên giới.  
                                                                                                                     
ANH HUY
Lượt xem: 22
Các tin khác
    Khởi sắc ở vùng biên giới Ia Grai Khởi sắc ở vùng biên giới Ia Grai
    "Thế trận lòng dân" nơi phên giậu "Thế trận lòng dân" nơi phên giậu
    Ia Grai nỗ lực giúp người nghèo an cư Ia Grai nỗ lực giúp người nghèo an cư
    Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai xung kích, tình nguyện vì c... Tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai xung kích, tình nguyện vì cộng đồng
    Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử trên khu vực biên giới Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử trên khu vực biên giới