Gia Lai ngày mùng 2 Tết: Người thảnh thơi du xuân, người tất bật xuống đồng

13/02/2021
(GLO)- Sau ngày mùng 1 đi thăm, chúc Tết người thân, họ hàng, sáng mùng 2 Tết, không khí du xuân đã rộn ràng ở nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai. Nhiều nông dân cũng chọn ngày này để xuống đồng kiểm tra, chăm sóc cây trồng với hy vọng có một năm mới no ấm. 
 
Rộn ràng du xuân
 
Tết Nguyên đán 2021 là cái Tết “đặc biệt” với nhiều người dân Gia Lai bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Dù vậy, ngày mùng 2 Tết, các địa điểm vui chơi ở TP. Pleiku như: Công viên Diên Hồng, Khu du lịch Biển Hồ, đường hoa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết… vẫn có rất đông du khách đến tham quan, vui chơi. Theo quan sát của chúng tôi tại các địa điểm này, du khách đều đề cao ý thức tự phòng dịch Covid-19 bằng việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.
1.jpg
Du khách tham quan Khu du lịch Biển Hồ. Ảnh: Trần Dung
Khu du lịch Biển Hồ được nhiều gia đình và các bạn trẻ ưu tiên lựa chọn đến tham quan, vui chơi. Ngoài người dân Gia Lai thì còn có cả những du khách từ nơi khác đến.
 
Chị Thanh Hiền (tỉnh Kon Tum) chia sẻ: “Hôm nay, gia đình tôi xuống TP. Pleiku để du xuân. Tôi thật sự ấn tượng vì không khí ở thắng cảnh Biển Hồ thật mát mẻ và có nhiều cảnh đẹp. Đơn vị quản lý cũng đã đặt thêm nhiều chậu hoa và có nhiều gian hàng bán sản phẩm nông sản đặc trưng của Gia Lai giúp cho du khách có thêm nhiều điểm chụp hình, ăn uống. Ở đây cũng có 2 xe điện, giúp cho khách đỡ phải đi bộ từ cổng chính xuống đến tượng Quan Thế Âm Bồ Tát”.
2.jpg
Đường hoa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết "hút" khách tham quan. Ảnh: Hoành Sơn
Đường hoa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết cũng là một địa điểm "hút" khách. Từ sáng sớm đã có rất nhiều người dân đến đây ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm.
 
“Do dịch Covid-19 nên năm nay chúng tôi không đi chơi tỉnh khác mà chọn tham quan một số địa điểm ở trong tỉnh. Tôi thấy đường hoa ở Quảng trường năm nay rất đẹp. Tôi thích nhất là những tượng linh vật trâu được tạo hình vui nhộn đặt xen kẽ tại đường hoa. Chúng tôi đã chụp rất nhiều hình ở đường hoa này”-anh Trần Khánh Trung (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) bày tỏ.
3.jpg
Người dân du xuân tại Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê). Ảnh: Ngọc Minhv
Tại thị xã An Khê, thời tiết nắng dịu khiến không khí du xuân càng thêm rộn ràng. Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo là một trong những điểm có đông đảo người dân tham quan. Anh Đường Quang Trí (tổ 2, thị trấn Kbang, huyện Kbang) cho hay: “Hôm nay, gia đình tôi đi chúc Tết họ hàng và tham quan một số di tích lịch sử tại thị xã An Khê. Đây là dịp để các con tự hào, hiểu hơn về truyền thống, văn hóa vùng đất Tây Sơn Thượng. Đáng ra thì để đến ngày mùng 4 Tết, chúng tôi mới ra nhưng vì tỉnh hoãn tổ chức lễ kỷ niệm 250 năm Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nên hôm nay đi luôn”.
 
Nông dân tất bật ra đồng
 
Trong khi nhiều người chọn sáng mùng 2 Tết để du xuân thì nhiều nông dân lại vội vã ra đồng chăm sóc, tưới nước chống hạn cho cây trồng để có những mùa vụ bội thu trong năm. Tại TP. Pleiku và các huyện Ia Grai, Đak Đoa, Chư Păh, Chư Prông…, nhiều hộ trồng cà phê đón Tết Nguyên đán chưa trọn vẹn bởi cơn mưa xuân hiếm gặp ngày 29 tháng Chạp. Dù lượng mưa không lớn nhưng đang trong giai đoạn nắng nóng khiến cây cà phê cương hoa. Do vậy, nhiều hộ dân phải sớm kéo máy ra đồng để tưới đủ lượng nước cho cây đồng loạt nở hoa.
 
Ông Nguyễn Văn Sáng (thôn 2, xã Ia Krai, huyện Ia Grai) bộc bạch:“Từ năm 2007 đến nay mới có mưa xuân. Tiếc là lượng mưa nhỏ, trong khi chúng tôi đã tưới đợt 1 được 14 ngày nên giờ phải tưới đuổi. Nếu không tưới, hoa hỏng hết. Mà hoa hỏng thì năm tới mất mùa là cái chắc. Chúng tôi thay phiên nhau tưới để còn có người ở nhà đón anh em, bạn bè đến chúc Tết và đi chúc ngược lại. Vì điều kiện thời tiết nên cố gắng sắp xếp cho hài hòa”.
4.jpg
Bà Trần Thị Chương (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) tưới chống hạn cho vườn cà phê. Ảnh: Hoành Sơn
Tương tự, tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông), từ sáng mùng 2 Tết, gia đình bà Trần Thị Chương đã ra đồng để tưới nước chống hạn cho 1.000 cây cà phê. “Hôm 29 Tết mưa xong, chúng tôi định tưới nước luôn nhưng lại ráng mấy hôm để ăn Tết. Chiều qua, thấy cây chúm nụ nhiều nên sáng nay tôi phải tưới gấp. Nhà 2 vườn khác nhau nên phải chia ra, chồng tưới vườn ngoài, còn tôi tưới vườn trong”-bà Chương nói.
 
Với nhiều nông dân, niềm hy vọng lớn nhất trong năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vì vậy, nhân dịp đầu năm, họ thường chọn ngày lành để xuống đồng. Anh Nguyễn Văn Hải (tổ 8, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) cho hay: “Nhà mình làm ruộng nên năm nào mùng 2 tốt ngày cũng xuống đồng lấy may, cầu cho một năm mùa màng thắng lợi. Năm nay dịch bệnh nhưng để đảm bảo sản xuất, tôi vẫn ra đồng làm việc bình thường, chăm cho mấy héc ta bắp mới xuống giống. Có điều làm việc xong là trở về nhà, không tụ tập đông người trò chuyện như mọi khi. Mong dịch bệnh mau qua để bà con yên tâm sản xuất”.
5.jpg
Sáng sớm mùng 2 Tết, ông Bùi Kim Tuấn (tổ 1, phường An Phú, thị xã An Khê) đã xắn quần lội ruộng kiểm tra lượng nước, tình hình sâu bệnh hại lúa. Ảnh: Ngọc Minh
Sáng mùng 2 Tết, ông Bùi Kim Tuấn (tổ 1, phường An Phú, thị xã An Khê) cũng vội ra đồng kiểm tra 1 sào lúa Đông Xuân. Vừa xắn quần lội xuống ruộng thăm lúa, ông Tuấn vừa nói: “Mấy hôm bận rộn Tết nhất, không ra thăm được, nay phải đi sớm rồi về đi chúc Tết. Do vụ Đông Xuân năm trước sâu bọ phá dữ nên phải ra kiểm tra tình hình xem sao. Điều phấn khởi là cây lúa phát triển tốt, không có sâu hại. Tôi mong năm nay được mùa hơn năm trước”.
(Bao Gia Lai)
Lượt xem: 14
Các tin khác
    Cầu nối ý Đảng-lòng dân Cầu nối ý Đảng-lòng dân
    Gia Lai ngày mùng 2 Tết: Người thảnh thơi du xuân, người tất bật xu... Gia Lai ngày mùng 2 Tết: Người thảnh thơi du xuân, người tất bật xuống đồng
    "Chắp cánh" thương hiệu gạo A Sanh "Chắp cánh" thương hiệu gạo A Sanh
    Gia Lai bốn mùa cây trái Gia Lai bốn mùa cây trái
    Ia Grai: Khánh thành công trình trường học do Liên doanh Việt-Nga V... Ia Grai: Khánh thành công trình trường học do Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro tài trợ