Nguyễn Mai Lương
Trang chủ > Giới thiệu chung > Quá trình hình thành và phát triển

Xã Ia Khai là một xã nằm cách xa trung tâm huyện, Phía Đông: Giáp xã  Ia Ka, huyện Chư păh và xã Ia Grăng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Phía Tây: Giáp xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Phía Nam: Giáp xã Ia Krái và xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Phía Bắc: Giáp xã Ia Kreng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, diện tích tự nhiên của xã 16503.96 ha, dân số toàn xã 1290 hộ/4672 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%.
DANH LAM THẮNG CẢNH 
Suối Ia Blố
Cách trụ sở UBND xã Ia Khai khoảng 5 km, đường vào suối Ia Blố nằm trên trục đường vận hành vào Nhà máy thủy điện Sê San 3A. Để vào tới suối, du khách sẽ đi 4km đường nhựa xẻ dọc giữa những vườn điều mùa này đang độ bung hoa đẹp đến mê hồn. Và thử tài nghệ lái xe của mình khi chinh phục thêm một km đường đất uốn lượn theo những triền đồi đầy đá.
Cung đường tới suối Ia Blố trải nhựa êm ru cùng những khúc cua tay áo như thế này chắc hẳn sẽ làm say đắm biết bao phượt thủ gần xa mong một lần được trải nghiệm.Vừa lái xe, vừa cảm nhận cảnh đẹp của núi đồi thì còn gì tuyệt hơn.
Du khách cũng sẽ được tận hưởng cảm giác thích thú khi dừng chân và tạo dáng chụp hình làm kỷ niệm trên cây cầu bắc qua suối Ia Grai. Nhìn từ trên cầu, bạn sẽ thấy được một bên suối nước phẳng lặng trôi, còn bên kia nước lại cuộn chảy ào ạt qua những phiến đá.
Suối Ia Blố được bắt nguồn trên đỉnh của ngọn núi cao. Trải qua quá trình cả triệu năm, nước gặm nhấm, mài mòn để rồi những phiến đá to tướng, cứng đầu nhất cũng phải khuất phục cho nước chảy qua mà tạo thành tuyệt tác. Vì vậy, khi khám phá suối Ia Blố, du khách phải men theo những dải đá xếp tầng, lội ngược dòng nước thì mới cảm nhận hết được những cảnh đẹp mà thiên nhiên đã tạo thành. Dòng nước mát lành tuôn chảy qua những kẽ đá đã tạo thành bức tuyệt tác của thiên nhiên. Đứng trước khung cảnh đẹp như này, mọi cảm giác mỏi mệt trong cuộc sống dường như cũng tan chảy theo dòng nước.

1.jpg
2.jpg
3.jpg

Nhìn từ trên đỉnh của thác, du khách sẽ cảm nhận được được trọn vẹn cảnh đẹp của con suối đá này. Đừng quên selfie để ghi lại chiến tích của mình và khoe với mọi người khi đã chinh phục được ngọn thác này nhé!
Kết thúc hành trình chinh phục suối Ia Blố, chắc chắn du khách sẽ nhận lại được rất nhiều cảm xúc khó quên và cảm thấy thích thú đến tột cùng. Giờ đây, trên cùng một cung đường đến với xã Ia Khai nhưng du khách sẽ có thật nhiều điểm đến thú vị để trải nghiệm và khám phá. Hãy đến với Ia Khai để được đắm mình tận hưởng những vẻ đẹp mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này.

Thác Mơ
Thác nước tuyệt đẹp, bọt tung trắng xóa, nước trên cao đổ xuống tràn từng bậc đá, hùng vỹ. Phát hiện, khung cảnh như mơ, người dân địa phương sung sướng, đặt tên là thác Mơ - "một phong cảnh thơ mộng, một thác nước đẹp như mơ giữa núi rừng Tây Nguyên".
Thác Mơ như một "nàng công chúa ngủ quên trong rừng" đang chờ đánh thức ở Gia Lai. Thác nằm ở làng Ếch, xã Ia Khai, huyện Ia Grai. Xung quanh được bao bọc bởi hàng ngàn cây cao su và vườn điều xanh mướt.
Khung cảnh vào thác Mơ rất thơ mộng. Từ trung tâm xã Ia Khai đi vào, hai bên đường là hàng cao su thẳng tắp, xanh rợp. Cao su đang độ thay lá, trải vàng cả con đường. Vào đến chân thác, khách du lịch sẽ đi dưới tán lá điều, bóng cây tỏa mát cả khu
Thác Mơ nằm trên một nhánh của dòng sông Pô Kô. Trên dòng sông có lòng hồ thủy điện Sê San 3A, mà giữa lòng hồ lại lưu giữ di tích lịch sử bến đò A Sanh - nơi gắn liền với tên tuổi anh hùng chèo đò A Sanh, xuất thân từ làng Nú, xã Ia Khai.

1-(1).jpg
2-(1).jpg

Bến đò A sanh
“Bến đò A Sanh” là nơi những du kích người dân tộc J’rai dùng thuyền độc mộc, đưa bộ đội, lương thực cùng vũ khí vượt sông Pô Kô đánh Mỹ vào những năm 60 của thế kỷ XX. Nơi đây đã xuất hiện những người anh hùng A Sanh (tên thật là Puih San), Rơ Châm Lim, Rơ Lan Pêng (cùng trú huyện Ia Grai)... chèo hàng ngàn chuyến đò dưới mưa bom bão đạn đưa bộ đội vượt sông. Chính tại đây, đã ra đời bài hát nổi tiếng “Người lái đò trên sông Pô Kô” của nhạc sĩ Cầm Phong.
Dù không còn mang dáng dấp của một bến đò tấp nập ngày nào, nhưng Bến đò A Sanh vẫn gợi lại biết bao nhiêu hoài niệm. Nơi này là một trong những địa điểm được tỉnh quan tâm phát triển thành điểm du lịch lịch sử. Huyện Ia Grai cũng đang đề nghị xét công nhân Di tích lịch sử cho địa danh này. Tìm về làng Nú, thăm lại bến đò, chúng tôi ngồi lắng nghe người đẽo thuyền độc mộc năm xưa kể chuyện giữa cái nắng hanh hao…