Đảm bảo an toàn thực phẩm vì mục tiêu phát triển bền vững

24/09/2021
(GLO)- Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, tương lai giống nòi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới”, Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 
Kéo giảm số vụ ngộ độc thực phẩm
 
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành có liên quan đã chủ động rà soát, đánh giá tình hình, xây dựng và triển khai các chương trình hành động, kế hoạch, đề án cụ thể, từng bước giải quyết những khó khăn, thách thức trong lĩnh vực ATTP. Theo đó, cấp ủy và chính quyền các địa phương đã kịp thời ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TW, Luật ATTP và các quy chuẩn về ATTP; thường xuyên tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATTP nhằm phát hiện, nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả và đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục tồn tại, hạn chế.
 
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ATTP được quan tâm triển khai đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức. Trong 10 năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm buổi lễ phát động về ATTP với hơn 50.000 lượt người tham dự; tổ chức in sổ tay các quy định của pháp luật về sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; in hàng ngàn tờ rơi, áp phích tuyên truyền về sản xuất thực phẩm an toàn; cấp phát băng đĩa, tờ gấp, sách tuyên truyền các thông tư, nghị định và Luật ATTP... Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, VTV8 thường xuyên có tin, bài, phóng sự phản ánh kịp thời việc triển khai công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên và người dân về ATTP có sự chuyển biến tích cực. Người dân đã có ý thức tốt hơn rất nhiều trong việc lựa chọn, tiêu dùng các sản phẩm an toàn, nguồn gốc rõ ràng để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
images3080902_1.jpg
Đoàn liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh nước uống đóng bình (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Như Nguyện

Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc tiến hành kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được triển khai thường xuyên. Trong 10 năm, tỉnh đã tổ chức hàng chục đoàn kiểm tra, giám sát tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ cho các lễ hội, sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn. Trong nhiều năm trở lại đây, tất cả các sự kiện diễn ra trong tỉnh đều không có sự cố về ATTP, đảm bảo sức khỏe cho các đại biểu và người dân, góp phần vào thành công của sự kiện.
 
Công tác giám sát, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được triển khai thường xuyên, góp phần làm giảm số vụ, số người ngộ độc thực phẩm, số người tử vong. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 10 vụ với 313 người ngộ độc thực phẩm, trong đó có 2 người tử vong; tỷ lệ ca ngộ độc thực phẩm/100.000 dân là 4,17%. So với giai đoạn 2011-2016, ngộ độc thực phẩm giảm 16 vụ, giảm 523 người ngộ độc và giảm 3 người tử vong; tỷ lệ ca ngộ độc thực phẩm/100.000 dân giảm 7,7%, ngộ độc tập thể giảm 6 vụ.
 
Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình điểm bảo đảm ATTP. Trong đó, TP. Pleiku, thị xã An Khê mỗi đơn vị triển khai 2 mô hình; thị xã Ayun Pa và các huyện Kbang, Đức Cơ, Ia Grai, Đak Đoa, Phú Thiện mỗi đơn vị triển khai 1 mô hình kinh doanh thức ăn đường phố đảm bảo ATTP. Ngành Y tế xây dựng 1 mô hình điểm với 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP. Tỉnh đã xây dựng và duy trì 13 mô hình điểm với 87 bếp ăn tập thể trường học đảm bảo ATTP.
 
Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATTP
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc phối hợp quản lý nhà nước về ATTP giữa các ngành: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công thương còn chưa thường xuyên, hiệu quả không cao. Việc xử phạt vi phạm hành chính của cấp huyện, cấp xã đối với cơ sở vi phạm ATTP còn thấp, chưa thể hiện được tính răn đe, giáo dục để thay đổi hành vi. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành giữa tuyến tỉnh và tuyến huyện chưa đồng bộ, còn chồng chéo nên xảy ra trường hợp có đơn vị không được kiểm tra, có đơn vị trong thời gian ngắn lại kiểm tra nhiều lần gây khó khăn cho hoạt động. Một bộ phận người sản xuất kinh doanh thực phẩm chưa chấp hành các quy định về ATTP, thiếu trách nhiệm, chạy theo lợi nhuận. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra tại một số bếp ăn gia đình, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do còn duy trì tập tục lạc hậu trong chế biến và sử dụng thực phẩm.
 
Để đảm bảo ATTP, thiết nghĩ, ngành chức năng và các địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và đôn đốc kiểm tra thực hiện công tác giám sát đối với vấn đề đảm bảo ATTP ở địa phương. Chính quyền các cấp nên đưa chỉ tiêu ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm để triển khai thực hiện. Cùng với đó, thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước và năng lực hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở; thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm không an toàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các cơ sở không đủ điều kiện sản xuất kinh doanh và cung ứng thực phẩm cho người tiêu dùng.
images3080903__o_n_li_n_ng_nh_ki_m_tra_an_to_n_th_c_ph_m_t_i_c__s__s_n_xu_t_chu_i_s_y_Kim_Li_n_____ng_Nay_Der__TP-Pleiku-__nh_N-N.jpg
Đoàn liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh kiểm tra tại cơ sở sản xuất chuối sấy Kim Liên ở đường Nay Der, TP. Pleiku (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Như Nguyện

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cần được triển khai thường xuyên. Chú trọng khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm cộng đồng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội trong tuyên truyền đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tạo điều kiện cho các đoàn thể, tổ chức xã hội chủ động tham gia tư vấn, hướng dẫn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật liên quan đến ATTP cho các cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm.
 
Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách cụ thể để huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP.
Nguồn Báo Gia Lai.
Lượt xem: 5
Các tin khác
    Khởi công xây nhà cho 2 em có hoàn cảnh khó khăn Khởi công xây nhà cho 2 em có hoàn cảnh khó khăn
    Gia Lai mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Gia Lai mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết
    Ia Grai, long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam (20-11) Ia Grai, long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam (20-11)
    Trường Tiểu học Kim Đồng tổ chức hoạt động ngoại khoá “Biết ơn thầy... Trường Tiểu học Kim Đồng tổ chức hoạt động ngoại khoá “Biết ơn thầy cô”
    Bảo hiểm xã hội huyện Ia Grai tuyên truyền tại làng Nú Bảo hiểm xã hội huyện Ia Grai tuyên truyền tại làng Nú