Tượng gỗ dân gian Jrai - nhớ thương người đã khuất, gắn kết tình mẹ con

17/11/2022
Trong khuôn khổ Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2022 vừa được huyện Ia Grai tổ chức vào đầu tháng 11, có thêm nội dung thi tạc tượng gỗ dân gian. Đây là dịp để các nghệ nhân người Jrai trên địa bàn thể hiện tài năng, thổi hồn vào gỗ thành những pho tượng nghệ thuật độc đáo.
 
 
Nghe-nhan-dang-hoan-thien-tac-pham-Me-bong-con.jpg
Nghệ nhân đang hoàn thiện tác phẩm Mẹ bồng con. Ảnh: Phương Lộc

Hội thị tạc tượng gỗ dân gian lần đầu được huyện Ia Grai tổ chức và thu hút 30 nghệ nhân người Jrai ở các xã trên địa bàn tham gia. Theo thể lệ hội thi, các nghệ nhân chuẩn bị phần tượng thô tại nhà và có một ngày để hoàn thiện tác phẩm của mình tại hội thi,  thuyết trình chủ đề, nội dung ý nghĩa tác phẩm và công cụ chế tác. Sau một thời gian phát động, có 15 tác phẩm được Ban tổ chức chọn vào vòng chung khảo. Trong đó có 13 tác phẩm là tượng người và 2 tác phẩm chế tác mô hình thuyền độc mộc thu nhỏ. Trong số 13 tác phẩm chế tác hình tượng con người, có 9 tác phẩm tượng người đơn lẻ là như những người đàn ông, phụ nữ đơn độc, mặt mày sầu não. Đây là những tác phẩm mang tính nghệ thuật đặc sắc, được các nghệ nhân chế tác theo mô típ tượng nhà mồ, thể hiện sự nhớ thương, u buồn của người đang sống với những người đã khuất.
Nghe-nhan-Ro-Lan-Ty-va-Ro-Cham-Bleng-lang-Nu-(xa-Ia-Khai,-huyen-ia-Grai)-ben-tac-pham-Nho-vo-(dat-giai-nhat).jpg
Nghệ nhân Rơ Lan Tý và Rơ Châm Bleng làng Nú (xã Ia Khai, huyện ia Grai) bên tác phẩm Nhó vợ (đạt giải nhất). Ảnh: Phương Lộc

Ông Rơ Châm Bleng, làng Nú,xã Ia Khai đưa đến hội thi tác phẩm “nhớ vợ”, tạc người đàn ông loã thể, dáng ngồi bó gối, 2 tay ôm mặt khiến người xem không khỏi ray rứt, chạnh lòng. Nói về chủ đề của tác phẩm, ông Rơ Châm Bleng cho biết: “Vợ nó chết, mình tạc tượng nó đang buồn, nhớ thương vợ. Lâu nay người Jrai mình chỉ tạc tượng khi trong làng có gia đình tổ chức lễ bỏ mã. Chồng chết thì mình tạc tượng vợ nó buồn; vợ chết thì mình tạc tượng chồng nó buồn; con chết thì mình tạc cha mẹ nó buồn. Tạc tượng này để ở nhà mồ cho người chết nó vui”.
Tuong-Me-diu-con-cua-nghe-nhan-Puih-Boch-lang-Gook-(xa-Ia-Grang,-huyen-Ia-Grai).jpg
Tượng Mẹ địu con của nghệ nhân Puih Boch làng Gook (xã Ia Grăng, huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Lộc

 Tại hội thi lần này có 4 bức tượng tạc hình “mẹ địu con”. Theo lý giải của các nghệ nhân: với phong tục người Jrai theo chế độ mẫu hệ, vai trò của người phụ nữ trong gia đình nắm phần chủ đạo. Vì vậy, việc chăm sóc con cái hầu hết là do người phụ nữ đảm trách. Với tình mẫu tử thiêng liêng, từ khi đứa bé được sinh ra đã gắn liền không thể tách rời với người mẹ, dù người mẹ làm việc nhà hay đi nương, đi rẫy cũng luôn điệu con theo. Vì vậy, những bước tượng mang hình tượng “mẹ địu con” thể hiện sự gắn kết, khơi dậy tình mẫu tử thiêng liêng trong mỗi người thưởng thức.
“Mình rất vui khi tham dự hội thi này dù được giải hay không. Chủ đề của bức tượng của mình là mẹ cùng con làm rẫy. Mình mong muốn qua bức tượng này các con thương mẹ hơn”. Nghệ nhân Puih Bóch, làng Gộk, xã Ia Găng huyện Ia Grai bày tỏ.
Tạc tượng gỗ là một trong những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Jrai trên địa bàn huyện Ia Grai nói riêng. Trước đây, các nghệ nhân chỉ dùng duy nhất chiếc rìu để chế tác nên những bức tượng đặc ở khu vực nhà mồ, khi trong làng có người làm lễ Pơ Thi. Tuy chỉ là những nhác đẻo có phần thô mộc những vẫn hiện lên hình tượng nghệ thuật qua những bức tượng. Ngày nay, công cụ chế tác phong phú hơn bằng những công cụ của nghề làm thợ mộc nên những bức tượng có phần tinh xảo, sắc nét hơn giúp các nghệ nhân biểu đạt được trọn vẹn ý tưởng lên những bức tượng.
Nghe-nhan-thuyet-trinh-ve-chu-de-tuong-go-voi-Ban-to-chuc-Hoi-thi.jpg
Nghệ nhân thuyết trình về chủ đề tượng gỗ với Ban tổ chức Hội thi. Ảnh: Phương Lộc

Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải 3 và 1 giải khuyết khích cho những tắc phẩm xuất sắc. Đồng thời trao giấy chứng nhận cùng phần thưởng động viên cho các nghệ nhân có tác phẩm dự thi.
Ông Đỗ Văn Đông, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Grai, Trưởng Ban tổ chức hội thi  cho biết: “Tuy lần đầu tiên tổ chức, nhưng Hội thi tạc tượng đã thu hút được nhiều nghệ nhân tham gia. Những bức tượng dự thi độc đáo, thể hiện được chủ đề, ý tưởng của nghệ nhân và truyền đạt được thông điệp đến với người xem về sự gắn kết giữa con người với con người, giữa người đang sống với người đã khuất. Những năm tới, huyện sẽ duy trì hội thi  tạc tượng gỗ để các nghệ nhân có dịp luyện tay nghề, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc không bị mai một  theo thời gian./.
                                                Phương Lộc
Lượt xem: 9
Các tin khác
    Làng O Pếch, xã Ia Pếch cúng giọt nước Làng O Pếch, xã Ia Pếch cúng giọt nước
    Ia Grai: Truyền thông xây dựng nông thôn mới và ra mắt CLB “nhà sạc... Ia Grai: Truyền thông xây dựng nông thôn mới và ra mắt CLB “nhà sạch, vườn đẹp”
    Huyện Ia Grai đón đoàn nghiên cứu thực tế của trường  Chính trị tỉn... Huyện Ia Grai đón đoàn nghiên cứu thực tế của trường Chính trị tỉnh Gia Lai
    Tượng gỗ dân gian Jrai - nhớ thương người đã khuất, gắn kết tình mẹ... Tượng gỗ dân gian Jrai - nhớ thương người đã khuất, gắn kết tình mẹ con
    Năm 2022, huyện Ia Grai, thu hút trên 20.000 lượt khách du lịch. Năm 2022, huyện Ia Grai, thu hút trên 20.000 lượt khách du lịch.