Phục dựng Lễ “Mừng lúa mới” tại làng Bồ

09/11/2023
Mới đây, lớp 10C1, trường THPT Phạm Văn Đồng (huyện Ia Grai) phối hợp với UBND xã Ia Yok, huyện Ia Grai và làng Bồ tổ chức phục dựng Lễ “Mừng lúa mới” (Pơ Grao Dai) của đồng bào Jrai để làm đề tài nghiên cứu “bảo tồn và phục dựng Lễ cúng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”. Qua việc phục dựng đã góp phần vào bảo tồn một trong những nghi lễ truyền thống độc đáo của người Jrai làng Bồ.
 
 
ANH-PHUC-DUNG-MUNG-LUA-MOI.jpg
Ảnh: Thầy cúng thực hiện nghi thức cúng – Minh Thoan

Lễ “Mừng lúa mới” của người Jrai thường được tổ chức vào tháng 10 và tháng 11 hàng năm với mục đích tạ ơn thần linh đã phù hộ cho dân làng được mùa lúa mới và cầu mong cho vụ tiếp theo mưa thuận, gió hòa, cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu. Theo phong tục, Lễ mừng lúa mới gồm 2 phần, phần lễ và phần hội, trong phần lễ có phần Lễ cúng ở rẫy lúa, chòi rẫy và nhà chủ lúa. Lễ mừng lúa mới được tổ chức lớn hay nhỏ tùy thuộc vào quá trình thu hoạch mùa màng có bội thu hay không. Ông Rơ Châm Pố (Bí thư Chi bộ làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) cho biết: “Lễ mừng lúa mới là một trong những nghi lễ truyền thống của người đồng bào Jrai tại làng Bồ...Lễ mừng lúa mới gồm 3 phần, hôm nay tổ chức phần cúng ở rẫy…”.
Trong phần lễ cúng ở rẫy lúa, chủ rẫy là ông Rơ Châm Klêl thực hiện nghi lễ cúng. Ngay từ sáng sớm, các già làng, chủ rẫy chuẩn bị dụng cụ, lễ vật cúng gồm: 1 cây nêu hoa văn (được trang trí và gắn những bông lúa trĩu hạt), 4 cây nêu bông có gắn than củi, 2 chiếc gùi, 1 ghè rượu cầu, 1 con gà sống, lá chuối, 1 nắm lá Ngal. Cây nêu hoa văn được cắm vào vị trí cố định, xung quanh được đặt gùi và ghè rượu. Sau khi chuẩn bị xong, già làng, thầy cúng bắt đầu thực hiện nghi thức cúng. Trước hết, thầy cúng, già làng, vợ chủ rẫy đi xung quanh ruộng, mang theo lễ vật cúng là con gà và 4 câu nêu bông buộc than củi để cắm vào 4 góc ruộng. Thầy cúng chạm 7 lần vào ché rượu cần để dâng lễ vật và cầu khẩn, cảm tạ các vị thần linh đã mang đến cho cây lúa tốt tươi, chín vàng, thơm ngon, mang lại sự ấm no cho dân làng.
Kết thúc phần cúng là phần mời rượu. Người Jrai theo chế độ mẫu hệ nên lúc mời rượu, người phụ nữ (vợ chủ lúa) là người đầu tiên được mời trước. Tiếp theo là các thành viên trong gia đình và bà con dân làng. Ông Rơ Châm Klêl (Làng Bồ, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Mình là chủ ruộng và hôm nay tổ chức được phục dựng lễ như thế này mình rất phấn khởi, đây là nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình”.
Việc phục dựng Lễ “Mừng lúa mới” nhằm giúp các em học sinh nghiên cứu, tìm hiểu một trong những nghi lễ truyền thống tốt đẹp của đồng bào Jrai. Qua đó góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Jrai ở Tây Nguyên nói chung và người Jrai ở làng Bồ nói riêng. Em Lê Quốc Huy (Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai) cho biết: “Hiện tại Lễ cúng lúa mới đang dần mai một, bị lãng quên do sự tác động của văn hóa cúng với hòa nhập với cuộc sống văn minh. Vì vậy em và bạn Duyên cùng làm đề tài này nhằm bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp của người đồng bào Jrai…”
 Ông Hồ Việt Bắc, Chủ tịch UBND xã Ia Yok, huyện Ia Grai cho biết: “Việc khôi phục các nghi lễ truyền thống của người đồng bào Jrai trên địa bàn như Lễ mừng lúa mới góp phần giữ gìn phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn xã…”.
Sau khi kết thúc nghi lễ cúng, tiếng cồng tiếng chiêng nổi lên, dân làng nắm tay nhau đoàn kết nhảy điệu xoang, uống rượu cần, chúc nhau những điều may mắn, tốt đẹp nhất./.
Minh Thoan – Phương Lộc
Lượt xem: 7
Các tin khác
    Thanh niên trồng dâu, nuôi thỏ làm giàu Thanh niên trồng dâu, nuôi thỏ làm giàu
    Nông dân Ia Grai đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ... Nông dân Ia Grai đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ tiên tiến
    Người làm nở hoa vùng sỏi đá Người làm nở hoa vùng sỏi đá
    Nông dân mạnh dạn sản xuất cà phê bột mang lại hiệu quả cao Nông dân mạnh dạn sản xuất cà phê bột mang lại hiệu quả cao
    Nông dân Ia Pếch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm Nông dân Ia Pếch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm