Huyện Ia Grai: Quan tâm phát triển kinh tế tập thể

21/10/2021
Thời gian qua, gắn với công tác lãnh đạo, điều hành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã tạo điều kiện cho sự phát triển các loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn.
 
 
THANH-NHAT-Cac-tap-the-duoc-tang-giay-khen-cua-Chu-tich-UBND-huyen-Ia-Grai-ve-thanh-tich-trong-xay-dung-va-mo-hinh-kinh-te-tap-the-DSCN6933.JPG
Các tập thể được tặng giấy khen của Chủ  tịch UBND huyện Ia Grai  về thành tích trong xây dựng và mô hình kinh tế tập thể - THANH NHẬT

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, cùng các chỉ đạo liên quan của Trung ương và tỉnh, những năm qua, UBND huyện và các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đã tổ chức quán triệt Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm và công tác an sinh xã hội, đồng thời thực hiện hiệu quả các chủ trương, định hướng chỉ đạo của Đảng về xây dựng, phát triển kinh tế tập thể, gắn với phát triển nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Ông Đào Lân Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có 20 hợp tác xã, với 1.843 thành viên, tổng số vốn đăng ký gần 97 tỷ  đồng. Trong đó có 16 hợp tác xã nông nghiệp, 7 nông hội, 10 tổ hợp tác, 28 tổ hội nghề nghiệp với 3.082 thành viên… Khi tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp thì nông dân được hưởng rất nhiều lợi ích, được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật để có sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao, được vay vốn để đầu tư sản xuất, bước đầu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.Việc tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể tại địa bàn huyện  đã mang lại kết quả cả về năng xuất, sản lượng, chất lượng nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân...”.
THANH-NHAT-To-hop-tac-nong-nghiep-va-Dich-vu-xa-Ia-Der-lien-ket-voi-Hop-tac-xa-Phuong-Di-trong-tieu-thu-san-pham-gao-A-Sanh-DSCN5617.JPG
Tổ hợp tác nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr liên kết với Hợp tác xã Phương Di trong tiêu thụ sản phẩm gạo A Sanh - THANH NHẬT
Tiêu biểu như Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Ia Tô, trong giai đoạn 2016-2021 đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai các gói dịch vụ của hợp tác xã, qua đó giúp các thành viên kinh nghiệm, kỹ thuật mới trong trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả trên địa bàn, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ đem lại lợi ích kinh tế cho các thành viên,  giúp  bà con nông dân  phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Ông Phạm Quốc Trưởng - hộ nông dân nhiều năm có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi, đồng thời là Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Ia Tô, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng cây ăn trái thôn 6 cho biết: “Tổ hợp tác đã tổ chức được 21 buổi tập huấn, hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 850 lượt hội viên nông dân, phối hợp triển khai xây dựng 2 mô hình kinh tế tập thể tại thôn, triển xây dựng thương hiệu Chôm chôm Ia Tô cũng như cùng với tập thể Hội Nông dân xã đưa các sản phẩm trái cây Ia Tô tham gia các gian hàng ở  5 hội chợ triển lãm thương mại ở tỉnh và huyện”.
THANH-NHAT-Quy-tin-dung-nhan-dan-Thi-tran-Ia-Kha-phat-huy-vai-tro-ho-tro-san-xuat-cho-ba-con-xa-vien-DSCN7143.JPG
Quỹ tín dụng nhân dân Thị trấn Ia Kha phát huy vai trò hỗ trợ sản xuất cho bà con xã viên - THANH NHẬT 

Việc tham gia Chương trình OCOP là cơ hội tốt để các chủ thể sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và có thêm động lực để phát triển. Toàn huyện có 5 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh.  Chương trình đang tác động tích cực trong nông nghiệp, tạo các liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản bền vững và khuyến khích sự tham gia của người đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như Hợp tác xã mật ong Phương Di Ia Grai được thành lập năm 2019 hiện có 300 thành viên tham gia, trong đó có 11 tổ hợp tác là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ Điều. Sản phẩm mật ong và hạt điều mang thương hiệu Phương Di đã có chỗ đứng vững vàng nhiều năm trên thị trường...
THANH-NHAT-Mot-goc-trung-tam-huyen-Ia-Grai-DSCN3334.JPG
Một góc trung tâm huyện Ia Grai  - THANH NHẬT
Bên cạnh đó, một mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu khác tại huyện là Tổ hợp tác nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr với 42 thành viên. Ông Kror Blí - Chủ tịch UBND xã Ia Dêr cho hay: “Trước đây người dân canh tác các loại giống lúa thuần, năng suất ước đạt khoảng hơn 4 tạ/sào, giá bán từ 5 đến 6 nghìn đồng/kg. UBND xã đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình giống lúa chất lượng cao với năng suất ước đạt khoảng 6 tạ/sào. Lúa được tổ hợp tác  thu mua 8 nghìn đồng/kg và xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo A Sanh, với giá giao động từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg. Tổ hợp tác nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr được thành lập với 42 thành viên, đã tích cực tuyên truyền cho người dân tham gia sản xuất lúa chất lượng cao JO2 (giống lúa Nhật), đến nay đã có gần 100 hộ tham gia sản xuất và cam kết thực hiện theo mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm gạo A Sanh”.
THANH-NHAT-Gioi-thieu-san-pham-gao-A-Sanh-cua-To-hop-tac-nong-nghiep-va-Dich-vu-xa-Ia-Der-duoc-san-xuat-tu-giong-lua-Nhat-chat-luong-cao-JO2-DCN5689.JPG
Giới thiệu sản phẩm gạo A Sanh của Tổ hợp tác nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr được sản xuất từ giống lúa Nhật chất lượng cao - THANH NHẬT
Liên quan vấn đề trên, Chủ nhiệm tổ hợp tác Ksor Tư bộc bạch thêm: “Việc thu mua lúa ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn  bởi vì tâm lý của người dân tộc địa phương trồng lúa chỉ để ăn, khi thừa mới đem ra bán. Do vậy, Tổ hợp tác đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện vừa triển khai thực hiện Dự án, vừa vận động người dân thay đổi tư duy theo hướng sản xuất lúa hàng hóa,  từng bước góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế xã hội”.   
THANH-NHAT-Mot-goc-trung-tam-huyen-Ia-Grai-DSCN1087.JPG
Một góc trung tâm huyện Ia Grai  - THANH NHẬT

Mặt khác trong các mô hình kinh tế tập thể tại địa bàn huyện, tiêu biểu còn có Quỹ tín dụng nhân dân Thị trấn Ia Kha, được thành lập và hoạt động hơn 15 năm. Tham gia Quỹ tín dụng có gần 950 thành viên thuộc địa bàn thị trấn Ia Kha, cùng 2 xã Ia Hrung và xã Ia Grăng, tổng nguồn vốn hoạt động đến nay hơn 33 tỷ đồng, dư nợ cho vay chiếm tỷ lệ 93%/tổng vốn. Nguồn vốn các thành viên vay chủ yếu đầu tư về chăn nuôi, trồng trọt, mua phân bón và vật tư sản xuất, giúp bà con  phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông Đỗ Ngọc Hữu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng cho biết: “Các xã viên đã sử dụng vốn hiệu quả, chủ yếu là phát triển các mô hình  sản xuất. Nhiều hộ trước đây khó khăn, nhờ tham gia vào Quỹ tín dụng, được vay vốn, nỗ lực cố gắng làm ăn hiệu quả,  từ hộ khó khăn đã vươn lên thành hộ có thu nhập khá. Như hộ bà Trần Thị Mến ở Tổ dân phố 6 Thị trấn Ia Kha đã sử dụng nguồn vốn vay hơn 100 triệu đồng để phát triển chăn nuôi heo thịt và chăm sóc vườn cà phê. Tương tự như hộ ông Puih Uk, dân tộc Jrai ở làng Gok xã Ia Grăng đến nay đã có cuộc sống khá nhờ sử dụng vốn vay Quỹ tín dụng để đầu tư chăm sóc cà phê, điều, cây ăn trái”.
Bà Huỳnh Ngô Tùng Điệp - Phó Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch của huyện cho biết: “Ngoài kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế tập thể tại huyện  vẫn còn nhiều mặt khó khăn, hạn chế, nhất là về quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động, năng lực sản xuất kinh doanh... Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cùng với đó là năng lực tài chính còn hạn chế. Nguồn lực của địa phương hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể tuy được quan tâm, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trình độ năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành chưa chưa theo kịp sự năng động của nền kinh tế thị trường và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới...”.
THANH-NHAT-Tham-quan-vuon-cay-an-trai-tai-Nong-hoi-cay-an-trai-thon-thanh-binh-xa-Ia-Ba-DSCN5682.JPG
Tham quan vườn cây ăn trái tại Nông hội cây ăn trái thôn thanh bình xã Ia Bă ​- THANH NHẬT 

Đề cập về giải pháp phát triển kinh tế tập thể của huyện thời gian tới, ông Đào Lân Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục có các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các cấp các ngành trong hệ thống chính trị huyện và cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới phù hợp với thực tiễn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, kết nạp thành viên mới, tăng vốn góp của các thành viên hợp tác xã và tổ hợp tác, từng bước mở rộng quy mô hoạt động. Đồng thời, tạo sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết ngành hàng mà địa phương có lợi thế. Xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác xã với chuỗi giá trị nông sản an toàn và giá trị kinh tế cao. Xây dựng Đề án, chính sách bố trí cán bộ chuyên trách quản lý hợp tác xã tại cấp huyện, đồng thời phân công cán bộ kiêm nhiệm phụ trách tại cấp xã về phát triển kinh tế tập thể. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý kinh tế tập thể cho cán bộ quản lý hợp tác xã các cấp…”.
 
Thanh Nhật
Lượt xem: 185
Các tin khác
    Kiểm tra cây giống hỗ trợ tái canh cà phê Kiểm tra cây giống hỗ trợ tái canh cà phê
    Huyện Ia Grai tích cực triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" Huyện Ia Grai tích cực triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
    Nông dân Ia Bă thu nhập khá từ trồng khoai lang Nông dân Ia Bă thu nhập khá từ trồng khoai lang
    Nuôi dê Boer lai cho thu nhập cao Nuôi dê Boer lai cho thu nhập cao
    Nuôi gà thả vườn cho thu nhập ổn định Nuôi gà thả vườn cho thu nhập ổn định