Chị Tạ Thị Nhơn: vượt lên số phận

30/06/2021
Mặc dù chỉ với một cánh tay trái nhưng chị Tạ Thị Nhơn ở thôn 4, xã Ia Tô, huyện Ia Grai vẫn luôn nỗ lực lao động, vươn lên thoát nghèo, nuôi con “ăn học đến nơi đến chốn”. Không bao giờ than nghèo, kể khổ mà ở người phụ nữ ấy tràn đầy nghị lực, lạc quan trong cuộc sống.
 
 
979_504501.jpg
Ảnh: Dù tàn tật nhưng chị Nhơn vẫn hăng say lao động – Minh Thoan
Chúng tôi gặp chị Nhơn tại Hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo của huyện giai đoạn 2016-2020. Chị là một trong những cá nhân được biểu dương tại Hội nghị. Bị thu hút bởi sự vui vẻ, lạc quan nên trong một ngày cuối năm chúng tôi đã tìm đến nhà chị.
Năm 17 tuổi, tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người thì đối với chị Nhơn lại bước vào những tháng ngày buồn tủi. Trong một lần đi đóng gạch thuê, cánh tay phải của chị bị kéo vào máy khiến chị mất luôn cánh tay. Trong khoảng thời gian nằm viện và ở nhà dưỡng thương chị vô cùng suy sụp, tuyệt vọng. Chị bảo “lúc ấy gội cái đầu cũng không thể tự làm  được thì sống còn có ích gì”. Vì vậy, đã có lúc chị Nhơn tìm đến cái chết để kết thúc những tháng ngày vô vọng. Chị Tạ Thị Nhơn(Thôn 4, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Nếu mình bị một thương tích gì đó, nó hết rồi nó sẽ lành nhưng cái tay của chị nó rời xa khỏi cơ thể của chị, nó không có lành, nó rời xa cơ thể mãi mãi. Mình thấy cuộc sống không không an toàn. Thậm chí rồi gội cái đầu cũng không gội được, chờ người nhà. Chị nghĩ chẳng lẽ cuộc đời mình rồi cứ vậy ta. Cứ đợi người thân về giúp cho mình cái này cái kia. Rồi sau đó, chị ngồi cứ nhìn suốt ngày thấy bạn bè mình vác cuốc, vác xẻng ra đồng đi làm, chị không làm gì giúp được cho anh chị, mẹ. Sau đó chị quyết chết đi cho xong nhưng cũng không được”.
Từ khó khăn tưởng không thể vượt qua, chị Nhơn bắt đầu tập làm những việc nhỏ nhất như gội đầu, giặt đồ…Một thời gian sau, chị vác cuốc ra vườn để tập làm cỏ. Lóng ngóng, đau đớn nhưng chị vẫn kiên trì, không bỏ cuộc. Khoảng một năm sau, chị đã có thể sử dụng cuốc thành thạo. Rồi dần mọi thứ chị đều có thể tự làm được. Từ khi quyết định làm “mẹ đơn thân”, có được đứa con trai, chị càng nỗ lực và trân trọng cuộc sống hơn. Chị Tạ Thị Nhơn(Thôn  4, xã Ia Tô, huyện Ia Grai) chia sẻ thêm: “Sau đó, chị cũng dành dụm mua được chiếc xe đạp để đi làm rồi mua miếng đất. Xong rồi nhờ chính quyền địa phương, tạo cho chị vốn liếng, chị vay về rồi mua bán. Chị tích cóp dần, chị thấy mình vậy là ổn định không có gì phải buồn hết. Năm con lên 4,5 tuổi gì đó, nhìn con chị thấy tự nhiên suy nghĩ tích cực rồi. Rồi bà con làng xóm, địa phương tạo điều kiện vậy nên không có gì mình phải buồn. Từ từ chị vươn lên chị thấy không còn thừa thãi của xã hội nữa, cảm thấy hoà đồng, không còn mặc cảm với xã hội. Sau khi con chị học hết 12 rồi bước chân vào đại học chị càng vinh dự, cái thứ nhất nhà nước hỗ trợ cho mình rồi, cái thứ hai cái nghị lực của mình. Cuộc sống của chị hiện nay đã ổn định”.
Chị Nhơn là một trong những điển hình của huyện Ia Grai trong nỗ lực vươn lên cuộc sống. Mặc dù với một cánh tay nhưng chị vẫn luôn nỗ lực lao động, đối với chị có lao động mới thấy mình còn tồn tại. Công việc chính của chị là buôn bán phế liệu. Ngoài ra, chị còn đi làm thuê, làm mướn để trang trải cuộc sống. Đến nay, chị đã tự tay mua đất, xây nhà và điều chị vui mừng hơn nữa là mình đã thoát khỏi hộ nghèo.
Cuộc sống của mẹ con chị Nhơn có được như ngày hôm nay một phần vì nghị lực, nhưng cũng có phần quan tâm, giúp đỡ của bà con, làng xóm và chính quyền địa phương. Ông Vũ Xuân Quảng(Trưởng thôn 4, xã Ia Tô, huyện Ia Grai): “Cô Tạ Thị Nhơn là một công dân ở thôn 4, qua sự khó khăn về hoàn cảnh mẹ goá, con côi, ở địa phương nói chung cũng thường xuyên động viên để cô bớt đi mặc cảm. Địa phương cũng động viên nhiều, tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn vốn xã hội, động viên cô thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống”.
Chị Trương Thị Tình( Phó chủ tịch UBND xã Ia Tô, huyện Ia Grai): “Mình là người sinh sống ở cô Nhơn trong thôn thì mình thấy cô Nhơn là một người phụ nữ nghị lực mạnh mẽ, mặc dù mất đi một cánh tay nhưng mà cô không những sinh hoạt bình thường, mà còn lao động sản xuất bình thường, thậm chí nỗ lực của cô vượt xa người bình thường, cô lúc nào cũng lạc quan vui vẻ, tự mình lo kinh tế trong gia đình, mặt khác cô nuôi một người con ăn học đại học.Bên cạnh đó, về phía địa phương cũng tạo điều kiện để cô sử dụng nguồn vốn vay, các chế độ của nhà nước, cô cũng sử dụng nguồn vốn vay vào phát triển kinh tế trong gia đình. Đến năm 2019, cô đã thoát nghèo là một trong những điển hình của địa phương để nhiều người học tập, noi theo trong chủ trương xoá đói giảm nghèo”.  
Hy vọng, tinh thần, nghị lực của chị Nhơn sẽ lan toả sâu rộng đến cộng đồng, góp phần vào công tác xoá đói giảm nghèo ở địa phương./.
 
Minh Thoan – Phương Lộc
Lượt xem: 163
Các tin khác
    Ia Grai: Hội thảo tổng kết mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giống... Ia Grai: Hội thảo tổng kết mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm giống lúa JO2, HN6
    CƠ HỘI KẾT NỐI, GIAO THƯƠNG NÔNG SẢN AN TOÀN CƠ HỘI KẾT NỐI, GIAO THƯƠNG NÔNG SẢN AN TOÀN
    Gia Lai khan hiếm lao động thu hoạch cà phê Gia Lai khan hiếm lao động thu hoạch cà phê
    Nông dân Ia Dêr xây dựng thương hiệu gạo sạch A Sanh Nông dân Ia Dêr xây dựng thương hiệu gạo sạch A Sanh
    Nông dân Ia Grai chăm sóc hoa cúc bán tết Nông dân Ia Grai chăm sóc hoa cúc bán tết