Ia Grai bảo tồn, tôn tạo các "địa chỉ đỏ"

18/06/2021
(GLO)- Chỉ trong năm 2021, có đến 2 di tích lịch sử cấp tỉnh trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) được triển khai bảo tồn, tôn tạo, xây dựng. Ngoài ý nghĩa tri ân, các công trình này khi hoàn thiện sẽ góp phần phát triển loại hình du lịch văn hóa-lịch sử.
 
Những “địa chỉ đỏ” ở huyện vùng biên

“Chiến thắng Chư Nghé” (xã Ia Krai) được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2018. Theo các tư liệu lịch sử, cứ điểm biên phòng Chư Nghé của Tiểu đoàn 80 Biệt động quân (Quân đoàn 2 ngụy) đóng khá sâu trong vùng giải phóng huyện 4 (nay thuộc xã Ia Krai, huyện Ia Grai), cách Pleiku hơn 40 km. Cứ điểm này được xây dựng khá kiên cố trên một quả đồi, chia thành 2 khu vực A và Z, nối thông nhau bằng các chiến hào, bên ngoài được bao bọc bởi 9-14 lớp rào thép gai, có chông, mìn chống bộ binh và mìn chống tăng dày đặc. Ngày 22-9-1973, sau hơn 3 giờ giao tranh ác liệt, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) của ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Toàn bộ Tiểu đoàn 80 Biệt động quân của địch bị ta bắt sống và tiêu diệt gọn. Ngoài ra, đơn vị còn thu 50 tấn đạn dược và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Đây là đòn trừng trị đích đáng, là lời cảnh báo đanh thép của quân và dân ta đối với những kẻ cố tình phá hoại Hiệp định Paris.
images3049278_1.jpg
Phối cảnh cổng vào Khu di tích Chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: Phương Duyên
Trong khi đó, người dân ở bến đò làng Nú (xã Ia Khai) và một số bến đò khác thuộc huyện Ia Grai ngày nay cũng có những đóng góp không nhỏ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với phương tiện di chuyển là thuyền độc mộc, những người lái đò, phần đông là người Jrai, được tuyển chọn tại địa phương, có sức khỏe và thông thạo địa bàn đã mở ra tuyến vận tải đường sông có ý nghĩa đặc biệt. Trong số này, nổi bật nhất là Puih San (bí danh A Sanh). Thời cao điểm mùa khô năm 1965 đến mùa mưa năm 1968, có đêm A Sanh chở hơn 30 chuyến đò với hàng trăm lượt bộ đội và hàng hóa qua sông an toàn. Năm 2020, Bến đò A Sanh được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Nặng lòng tri ân

Trao đổi với P.V, ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho biết: Với ý nghĩa lịch sử to lớn, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương triển khai xây dựng Khu di tích lịch sử cấp tỉnh “Chiến thắng Chư Nghé” trong năm 2021; kinh phí từ nguồn ngân sách năm 2021 của huyện Ia Grai và các nguồn hợp pháp khác. Ủy ban nhân dân tỉnh giao UBND huyện Ia Grai làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án, phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật công trình trên cơ sở thống nhất ý kiến của các Sở: Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; lấy ý kiến thẩm định của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về nội dung văn bia tại di tích. Tới đây, huyện triển khai thi công các hạng mục: nhà bia, cổng, sân bê tông với kinh phí 1,8 tỷ đồng. Riêng các hạng mục còn lại như nhà quản lý, nhà trưng bày hiện vật, hầm lô cốt, khu nhà dịch vụ-ăn uống… tiếp tục được xây dựng trong thời gian đến.

Tương tự, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng đã được UBND tỉnh phân bổ ngân sách để bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử cấp tỉnh Bến đò A Sanh, quy hoạch trên diện tích 3.200 m2. Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-thông tin: Trong năm nay, Sở triển khai xây dựng tại đây bia di tích và các hạng mục phụ gồm lan can, tường rào bảo vệ, sân bê tông. Nhà bia tưởng niệm được xây dựng bằng đá tự nhiên nguyên khối, diện tích xây dựng 25 m2, chiều cao bia 3,25 m (tính từ mặt sân bê tông), bên trên chạm khắc hoa văn và nội dung về Di tích Bến đò A Sanh. Để đẩy nhanh tiến độ, Sở đã đề nghị UBND huyện Ia Grai nhanh chóng triển khai công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công.

Nói về ý nghĩa của việc triển khai bảo tồn, tôn tạo các di tích nói trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai nhận định: Ngoài sự tri ân, các di tích này còn góp phần giáo dục về truyền thống lịch sử cách mạng của quân và dân huyện Ia Grai, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Cả 2 di tích lịch sử cấp tỉnh này đều đã được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2020-2030, từ đó gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn với phát triển kinh tế du lịch, góp phần đưa hình ảnh của huyện Ia Grai đến với đông đảo người dân và du khách.

Từ Hà Nội, trò chuyện với P.V qua điện thoại, Trung tướng Khuất Duy Tiến-nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 rất vui mừng và xúc động khi biết Di tích “Chiến thắng Chư Nghé” sắp được khởi công xây dựng một số hạng mục. Trước đó, ông luôn trăn trở với việc xác nhận chiến thắng cứ điểm này là di tích lịch sử cấp tỉnh, đồng thời với việc quan tâm bảo tồn, tôn tạo xứng đáng. Ở tuổi 91, vị tướng tài ba luôn đau đáu: “Có cuộc chiến nào không thương vong, mất mát? Đồng đội chúng tôi nhiều người đã ngã xuống trong trận chiến này. Việc xây dựng di tích đáp ứng niềm mong mỏi của lực lượng vũ trang và người dân địa phương, qua đó khẳng định chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những người đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc. Du khách khi đến với khu di tích sẽ hiểu thêm về tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước của Nhân dân Việt Nam. Khi khu di tích này được khánh thành, chắc chắn chúng tôi sẽ về tham quan”.

Còn cựu chiến binh Rơ Lan Kai-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Khai, từng là một trong những người lái đò trên sông Pô Cô thuở ấy cũng không khỏi bồi hồi trước thông tin bảo tồn, tôn tạo Di tích Bến đò A Sanh. “Người dân trong xã ai cũng mong di tích này được bảo tồn để khẳng định sự kiên trung với Đảng, với cách mạng của đồng bào Jrai nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ”-ông Kai chia sẻ.
 
Nguồn Báo Gia Lai
Lượt xem: 29
Các tin khác
    Tập huấn tái canh cà phê tại xã Ia Dêr Tập huấn tái canh cà phê tại xã Ia Dêr
    Kiểm tra cây giống hỗ trợ tái canh cà phê Kiểm tra cây giống hỗ trợ tái canh cà phê
    Huyện Ia Grai tích cực triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" Huyện Ia Grai tích cực triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
    Nông dân Ia Bă thu nhập khá từ trồng khoai lang Nông dân Ia Bă thu nhập khá từ trồng khoai lang
    Bàn gian nhà nghĩa tình đồng đội cho hội viên CCB Bàn gian nhà nghĩa tình đồng đội cho hội viên CCB