Già Luyên nỗ lực giữ gìn cồng chiêng

15/08/2022
Để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, ông Rơ Châm Luyên, làng O, xã Ia O, huyện Ia Grai đã quyết tâm lưu giữ những bộ cồng chiêng được ông cha để lại và xem nó như máu thịt của mình. Bên cạnh đó, ông cũng nỗ lực truyền lại cách đánh chiêng cho con cháu  trong làng với mong muốn lưu giữ âm thanh cồng chiêng của dân tộc mình.
 
 
GIA-LUYEN-NO-LUC-GIU-GIN-CONG-CHIENG.jpg
Ảnh: Già Luyên thử âm thanh của chiếc chiêng Pat- Minh Thoan

Được sự dẫn đường của cán bộ xã Ia O, chúng tôi đến làng O để gặp ông Rơ Châm Luyên. Gần 70 năm cuộc đời cũng từng đó thời gian ông gắn bó với âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng của dân tộc mình. Nhờ có người quen đi cùng nên chúng tôi mới được ông cho xem chiêng. Ngay phía đầu giường ngủ, những bộ chiêng được bao bọc, cất giữ cẩn thận. Mang chiêng ra trước hiên nhà, ông Luyên cẩn thận mở từng chiếc áo bọc chiêng, vừa làm vừa giảng giải cho chúng tôi biết tên từng loại chiêng và cách sử dụng, ý nghĩa của từng loại chiêng. Lần lượt 4 bộ chiêng, trong đó có 2 chiếc chiêng Pat có giá trị trên cả tỷ đồng được đặt ngay ngắn trước mặt chúng tôi. Ông Luyên không biết nó có tuổi đời bao nhiêu nhưng được truyền lại cho vợ chồng ông là đời thứ tư. Ông  nó coi như báu vật, không phải ai cũng được nhìn ngắm và sử dụng. Ông cầm chiếc dùi lên gõ vào chiếc chiêng Pat trên tay, âm thanh trầm bổng, vang vọng khắp làng.
Tiếng cồng tiếng chiêng đã gắn bó với ông từ lúc lọt lòng. Đến khi trưởng thành, ông được cha chú và những người lớn tuổi trong làng dạy cho cách đánh chiêng. Già Luyên nhớ lại: Cứ mỗi buổi chiều về, khi mặt trời vừa xuống núi, bên mái nhà rông, ông cùng thanh niên trong làng tập trung để nghe các già truyền dạy cho từng nhịp chiêng, ai cũng say mê. Nhờ có năng khiếu và kiên trì tập luyện, ông Luyên đánh chiêng rất giỏi. Ông Rơ Châm Luyên, Làng O, xã Ia O, huyện Ia Grai bồi hồi nhớ lại: “ Ngày xưa có 3 người đánh chiêng giỏi, lúc trong làng có đám ma, mình thích đánh nên theo các ông, ông dạy cho mình. Các ông đánh hay mà buồn lắm, ai nghe cũng rơi nước mắt. Giờ các ông đều mất rồi. Khi các ông mất thì mình cũng đã đánh thông thạo rồi”.
Ông Luyên  cho biết: cồng chiêng là tài sản ông cha truyền lại nhiều đời, mình có trách nhiệm giữ gìn để còn truyền lại cho con cháu. Đối với người Jrai, cùng với lúa, trâu, bò, cồng chiêng cũng là loại tài sản mà các gia đình thể hiện sự giàu có, nhà nào nhiều chiêng nghĩa là nhà đó khấm khá. Nếu không có cồng chiêng, những lễ hội là nơi gắn kết cộng đồng cũng sẽ không còn ý nghĩa, đời sống tinh thần, tâm linh cũng sẽ bị mai một. Giờ ông cha mình đã về với A Tâu hết rồi, mình cũng muốn truyền dạy, thắp lửa cho con cháu, thế hệ trẻ trong làng biết gìn giữ  cồng chiêng Điều ông vui nhất là con cháu trong nhà giờ đều biết đánh chiêng. Ông Ksor Hyui, Cán bộ Văn hóa - xã hội xã Ia O, huyện Ia Grai cho biết: “ Ông Rơ Châm Luyên đã lưu trữ cồng chiêng, thường xuyên lau chùi, cất giữ cẩn thận khỏi trộm cắp. Thời gian qua, ông cũng tuyên truyền, nhắc nhở con cháu, họ hàng, ai có chiêng cất giữ, giữ gìn để lưu trữ cồng chiêng cho con cháu và dạy cho con cháu, thanh niên trong làng biết đánh cồng chiêng.”
 Những người tâm huyết gìn giữ cồng chiêng như già Luyên đã và đang góp phần vào công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng trên miền biên giới xã Ia O huyện Ia Grai nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Minh Thoan
Lượt xem: 60
Các tin khác
    Làng O Pếch, xã Ia Pếch cúng giọt nước Làng O Pếch, xã Ia Pếch cúng giọt nước
    Ia Grai: Truyền thông xây dựng nông thôn mới và ra mắt CLB “nhà sạc... Ia Grai: Truyền thông xây dựng nông thôn mới và ra mắt CLB “nhà sạch, vườn đẹp”
    Huyện Ia Grai đón đoàn nghiên cứu thực tế của trường  Chính trị tỉn... Huyện Ia Grai đón đoàn nghiên cứu thực tế của trường Chính trị tỉnh Gia Lai
    Tượng gỗ dân gian Jrai - nhớ thương người đã khuất, gắn kết tình mẹ... Tượng gỗ dân gian Jrai - nhớ thương người đã khuất, gắn kết tình mẹ con
    Năm 2022, huyện Ia Grai, thu hút trên 20.000 lượt khách du lịch. Năm 2022, huyện Ia Grai, thu hút trên 20.000 lượt khách du lịch.