Dấu ấn Hội đua thuyền độc mộc trên dòng sông huyền thoại

08/12/2022
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm 2022 huyện Ia Grai đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn vang mãi nhờ cách tổ chức bài bản, chuyên nghiệp cùng với phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hữu tình đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
 
 
z3935215774887_8bb82ad023b1292155f8693d536a6cd8.jpg
Độc đáo cổng chào lễ hội- Ảnh Kim Liên

Có một dòng sông đã trở thành huyền thoại, “hỏi sông ơi có nhớ Anh lái đò tên gọi A Sanh”. Để tri ân tưởng nhớ Anh hùng A Sanh (Puih San) tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giới thiệu đến du khách phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, một miền biên giới bình yên, một miền biên giới làm say lòng người. Huyện Ia Grai đã chọn tháng 11 hàng năm để tổ chức hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và được xem là lễ hội truyền thống của huyện. Lễ hội độc đáo không chỉ ở đua thuyền trên Tây Nguyên mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, nhân văn sâu sắc.
Trên bến dưới thuyền
z3935216023009_adcc27e1a1de70323346a434ebf0b749.jpg
Đông vui ngày hội- Ảnh Thanh Hiệp
Nghe “trên bến, dưới thuyền” ai cũng nghĩ đến vùng đồng bằng bằng Bắc bộ hay miền Tây sông nước nhưng đây lại là hình ảnh của vùng biên viễn Tây Nguyên. Khu vực bãi bồi làng Dăng, xã Ia O nơi tổ chức Liên hoan văn hóa công chiêng, phía dưới chưa đầy 50 m là bến đua thuyền độc mộc trên dòng sông Pô Cô. Ôm trọn bến thuyền là một dải rừng cao su xanh tít tắp.Trên bến tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng hòa vào điệu xoang mượt mà đằm thắm, âm thanh trong trẻo quyện theo tiếng sóng. Dưới sông những con thuyền độc mộc, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, với mái chèo rẽ sóng ngọt êm, tiếng reo hò của du khách vang cả vùng biên. Đẹp! tất cả như một bức tranh muôn màu tươi mới.
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và liên hoan văn hóa cồng chiêng năm nay đã thu hút gần một nghìn nghệ nhân, diễn viên và vận động viên tham gia. Ngoài các đội thi đến từ các xã, thị trấn, các đơn vị lực lượng vũ trang còn có sự tham gia của 2 huyện Đức Cơ, Ia H’Drai tỉnh Kon Tum. Đây là minh chứng cho tinh thần đoàn kết giữa các huyện, cùng nhau chung sức, chung lòng giữ bình yên bên giới. Bên cạnh các nội dung đua thuyền và liên hoan cồng chiêng, phiên chợ nông sản, năm nay còn có thêm phần thi tạc tượng và nhảy dân vũ. Ban tổ chức cũng đã bố trí các điểm check in tạo thêm điểm nhấn trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
“Thực sự mình thấy rất bất ngờ, mình đi một chuyến đi dài từ Đà Nẵng lên đây và khi đặt chân tới nơi này, mình thấy sự thấy hoành tráng của lễ hội cùng như sự chu đáo của Ban tổ chức. Mình đã tham gia rất nhiều lễ hội trên cả nước nhưng ở đây có cái gì đó rất lôi cuốn, sáng giờ mình chụp được rất nhiều hình ấn tượng về đua thuyền, tạc tượng, các điệu cồng chiêng…”- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Văn Truyền đến từ Đà Nẵng chia sẻ.
z3935216501281_fe7475ba86c283ac08f2f3e8a22299f9.jpg
Phút thảnh thơi của các nghệ nhân sau giờ diễn xướng công chiêng- Ảnh Nguyễn Xuân Hà
Sau hai ngày tranh tài sôi nổi và trải qua các vòng thi, Hội đua thuyền Độc Mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng, thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, thi dân vũ năm 2022 đã kết thúc và thành công Hội đua thuyền rất tốt đẹp. Với tinh thần nhiệt huyết, trung thực, đoàn kết và thân thiện, các đội thi đã cống hiến cho khán giả, cho du khách các trận đua thuyền quyết liệt với nhiều vòng đua kịch tính. Những con thuyền độc mộc với những tay chèo khoẻ mạnh, động tác rất khoát, lướt nhanh trên dòng sông huyền thoại đã mang đến cho du khách những phút giây thư giãn thú vị. Những bài chiêng hay với điệu xoang uyển chuyển đi vào lòng người, những bức tượng gỗ dân gian, những mô hình thuyền độc mộc qua bàn tay khéo léo, tinh tế của các nghệ nhân đến từ các làng, xã trên địa bàn huyện đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc. Những điệu nhảy dân vũ vui, trẻ, khoẻ và nhiều màu sắc được các tổ chức cơ sở đoàn, các câu lạc bộ dân vũ trên địa bàn các xã, thị trấn chuẩn bị công tạo nên một khúc khải hoàn ca đưa du khách đi qua từng cung bậc cảm xúc.
 Mỗi du khách cũng đã lựa chọn cho mình những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và đồ lưu niệm ưng ý để tặng bạn bè, người thân. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng các món thức ẩm thực đậm chất truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; được gặp gỡ, giao lưu với những người dân hiền hòa và mến khách.
 Đã có những nụ cười của niềm vui chiến thắng, có những nuối tiếc, song hơn tất cả là Hội đua thuyền độc mộc và Liên hoan văn hoá Cồng chiêng năm nay đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng mỗi Người. Kết thúc Hội thi, BTC đã trao 79 giải cho các đội, các môn thi đấu, trình diễn tại Ngày Hội, với tổng kinh phí dành cho giải thưởng trên 99 triệu đồng.
Đua thuyền độc mộc- Đại đoàn kết các dân tộc
Thực hiện Thông điệp của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đó là, chúng ta phải xác định văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, không chỉ là động lực, mục tiêu mà văn hóa còn là mạch nguồn của dân tộc, là sợi dây gắn kết dân tộc. Tại lễ hội, Ban tổ chức đã làm cổng chào bằng tre, rất công phu với ý tưởng: “cây tre biểu trưng cho văn hóa Việt, chung thủy, đoàn kết, thanh cao bất khuất”; hai bên cổng chào được treo bộ chiêng quý, biểu trưng cho hồn cốt văn hóa dân tộc bản địa. Phía trên cổng chào là biểu tượng con thuyền độc mộc được gắn dòng chữ: “Đua thuyền độc mộc – Đại đoàn kết các dân tộc”, đây không chỉ là câu khẩu hiệu mà trong sâu thẳm, sự kiện văn hóa thể thao lịch sử này đã gắn kết tinh thần đoàn các dân tộc ở huyện Ia Grai. Để tổ chức thành công lễ hội, huyện Ia Grai huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ngày biên giới vào hội, tất cả cán bộ, lực lượng vũ trang cùng toàn thể nhân dân đều chung tay góp sức. Huyện vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở ngành về chung vui với bà con.
Trong tiếng chiêng rộn ràng, cán bộ chiến sĩ, và nhân dân cùng nhịp xoang nối vòng tay lớn với đủ mầu áo của lực lượng công an, bộ đội, tà áo dài hòa cùng màu áo truyền thống người dân tộc bản địa, tất cả thể hiện tinh thần đoàn kết sắt son xây dựng vùng biên giới bình yên phát triển.
z3935216776653_ab4ed6ae0f091da6d984a6c4fcb0a19a-(1).jpg
Cồng chiêng nối liền đoàn kết- Ảnh Thanh Hiệp
Ia Grai vùng đất bất khuất, kiên trung, chiến trường B lửa đạn năm xưa, với những di tích lịch sử “chiến thắng Chư Nghé”; “Bến đò A Sanh” huyền thoại. Ngày nay, Ia Grai đang sở hữu một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, phong cảnh kỳ vĩ, thác Mơ, làng Chài, thác Chín Tầng…; sở hữu kho tàng văn hóa đặc sắc và là địa phương còn lưu giữ số lượng cồng chiêng nhiều nhất tỉnh. Đây là nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển du lịch, tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2022 đã để lại dấu ấn đặc sắc. Tin tưởng rằng, với sự thành công của ngày Hội năm 2022 sẽ là điểm nhấn đậm nét để quảng bá hình ảnh du lịch, các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với du khách; góp phần thu hút các nhà đầu tư đến tham quan, tìm hiểu các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trên cơ sở đó thúc đẩy du lịch huyện ngày càng phát triển”./.
 
Phương Loan

 
Lượt xem: 25
Các tin khác
    Bàn giao 2 nhà tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo Bàn giao 2 nhà tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo
    Chương trình “gọi yêu thương giữa đại ngàn” tại xã Ia Grăng Chương trình “gọi yêu thương giữa đại ngàn” tại xã Ia Grăng
    Hiệu quả từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” Hiệu quả từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”
    Nuôi dê Boer lai cho thu nhập cao Nuôi dê Boer lai cho thu nhập cao
    Nuôi gà thả vườn cho thu nhập ổn định Nuôi gà thả vườn cho thu nhập ổn định