Bà Siu Juyết tâm huyết giữ gìn nghề đan gùi truyền thống

13/03/2023
Gần cả cuộc đời gắn bó với nghề đan gùi, bà Siu Juyết ở làng Châm, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai vẫn luôn giữ trọn niềm đam mê với nghề. Đến nay đã hơn 60 tuổi nhưng bà vẫn miệt mài đan những chiếc gùi để cho con cháu sử dụng và bán kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, bà cũng nỗ lực truyền nghề lại cho con cháu trong gia đình.
 
 
BA-SIU-JUYET-GIU-GIN-NGHE-DAN-GUI.JPG
Ảnh: Bà Siu Juyết dạy cháu đan gùi – Minh Thoan
Chúng tôi đến nhà bà Siu Juyết khi bà đang chuẩn bị sản phẩm gùi truyền thống để trưng bày tại một hội chợ nông sản, hàng thủ công do huyện tổ chức. Có khoảng 10 chiếc gùi được đan hoàn chỉnh được bà cất cẩn thận trong phòng riêng. Ngoài ra, bà cũng đan thêm những chiếc gùi để có thêm sản phẩm trưng bày tại phiên chợ. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, mái tóc đã bạc phơ nhưng đôi mắt của bà Juyết vẫn còn tinh lắm, đôi tay vẫn còn nhanh nhẹn để tạo ra những chiếc gùi tinh tế, độc đáo. Chỉ trong một ngày, bà đã có thể làm ra được một chiếc gùi hoàn chỉnh. Bà Siu Juyết, làng Châm, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai chia sẻ: “Khoảng 1 ngày mình đan được một chiếc gùi, mình đan thứ tự, từng đoạn một, cho đến khi hoàn thành một chiếc gùi”.
Đối với người Jrai, thường công việc đan gùi là công việc của những người đàn ông nhưng bà Juyết lại rất say mê. Thưở nhỏ thay vì rong chơi, bà lại ngồi nghe ông bà, cha mẹ dạy cho từ cách chọn vật liệu, đến chuốt nan, cũng như cách đan và uốn đế. Nhờ chăm chỉ học, cùng với đôi bàn tay khéo léo, bà Juyết đã trở thành người đan gùi giỏi của làng Châm. Ngày trước, bà chỉ đan cho con cháu sử dụng trong gia đình, nhưng thời gian gần đây, nhờ sự kết nối của Hội nông dân xã bà đã bán được rất nhiều sản phẩm ra thị trường. Mỗi chiếc gùi có giá dao động từ 250 ngàn đồng- 300 ngàn đồng; từ đó gia đình bà có thêm được nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống. Chị Đoàn Thị Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Grăng, huyện Ia Grai cho biết: “Lúc đầu mình  biết được sản phẩm gùi của hội viên làng Châm. Mình tận dùng trang mạng xã hội của mình và của hội để quảng bá. Qua quảng bá đã có được những đơn hàng đầu tiên đi Sài Gòn, Đà Nẵng, Gia Lai. Khi thông báo đến hội viên thì họ rất mừng và tiếp tục đan. Đặc biệt có đơn hàng ở Sài Gòn đặt để trưng bày”.
Bà Juyết cho biết, nguyên liệu để đan một chiếc gùi là những cây lồng mức và lồ ô với đặc tính nhẹ, dẻo được lấy trong rừng. Ngày nay, những vật liệu làm gùi khá hiếm.  Cây lồng mức dùng để làm đế gùi phải chọn những cây không quá già, không quá non. Như vậy mới đảm bảo độ dẻo và không bị gãy trong quá trình uốn cong. Còn lồ ô chọn những cây khoảng 2 năm, 1 năm tuổi sẽ được chẻ, chuốt rồi mang ra phơi khoảng nửa ngày cho dẻo rồi mới đan.
Điều khiến bà Juyết thấy vui nhất là nhiều bà con trong làng và con cháu trong gia đình cũng quan tâm đến việc đan gùi, mỗi lúc rảnh rỗi họ thường đến xem và nhờ bà chỉ cách đan. Chị Siu Hồng (Con gái bà Siu Juyết, làng Châm, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai) cho biết: “Thời gian qua, mình nhìn cha mẹ đan gùi ra rất nhiều. Mình cũng học hỏi để mong muốn làm ra được những chiếc gùi, để giữ được nét truyền thống người Jrai; mai mốt để còn dạy lại cho con cháu.
Hy vọng, với sự tâm huyết của bà Siu Juyết và những người dân trong làng, nghề đan gùi sẽ được lưu truyền cho thế hệ sau, để bản sắc văn hoá dân tộc Jrai không bị mai một theo thời gian./.
Minh Thoan
Lượt xem: 10
Các tin khác
    Chương trình “gọi yêu thương giữa đại ngàn” tại xã Ia Grăng Chương trình “gọi yêu thương giữa đại ngàn” tại xã Ia Grăng
    Bàn giao 2 nhà tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo Bàn giao 2 nhà tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo
    Hiệu quả từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” Hiệu quả từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”
    Nuôi dê Boer lai cho thu nhập cao Nuôi dê Boer lai cho thu nhập cao
    Nuôi gà thả vườn cho thu nhập ổn định Nuôi gà thả vườn cho thu nhập ổn định