Ảnh: Thu hoạch dưa lưới- Minh Thoan
Mô hình được triển khai tại hộ anh Nguyễn Ngọc Diệp, ở Tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha với diện tích 1.000m
2. Tổng kinh phí thực hiện mô hình khoảng 570 triệu đồng. Trong đó Nhà nước hỗ trợ 320 triệu đồng, gồm tiền giống, giá thể, kỹ thuật…Gia đình anh Diệp đối ứng khoảng 250 triệu đồng để làm nhà màng và hệ thống tưới. Đến thời điểm này, vườn dưa đã cắt nước để chuẩn bị cho thu hoạch. Ông Nguyễn Đức Thừa (Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Ia Grai) cho biết:
“Hàng năm Sở Khoa học – Công nghệ đầu tư hỗ trợ kinh phí để thực hiện các Dự án trên địa bàn huyện. Đơn vị đã lựa chọn một số hộ để triển khai thực hiện đối ứng, Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Năm nay, đầu tư hệ thống trồng dưa lưới trong nhà màng. Đến nay đã cho thu hoạch và rất hiệu quả”.
Mỗi cây dưa lưới được trồng riêng trong từng túi bầu với giá thể là xơ dừa trộn với phân hữu cơ đã qua xử lý.Để bảo đảm cây dưa phát triển đồng đều thì nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Vào thời điểm dưa lưới ra hoa, phải tiến hành cho thụ phấn, khi cây ra quả mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi cho tới khi thu hoạch. Đồng thời, phải thường xuyên cắt tỉa lá, tạo sự thông thoáng cho vườn để phòng tránh bệnh tật, cũng như để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên dưa lưới tại mô hình sinh trưởng và phát triển rất tốt. Sau hơn 2 tháng rưỡi trồng và chăm sóc, vườn dưa bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng trung bình đạt từ 1,5-2,2 kg/quả. Chất lượng dưa tốt, đảm bảo độ giòn, ngọt, thơm. Đặc biệt, việc trồng dưa lưới trong nhà màng tránh được mưa, ngăn côn trùng xâm nhập… nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể so với trồng ngoài trời. Vì vậy, dưa đảm bảo sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tại thời điểm thu hoạch vào tháng 10, giá dưa dao động từ 25- 35 ngàn đồng/kg. Ông Nguyễn Ngọc Diệp (Tổ dân phố 7, Thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) chia sẻ: “
Thuận lợi là được hỗ trợ của Trung tâm Khoa học công nghệ về kỹ thuật, cách chăm sóc, cũng đạt được kết quả hiện tại như thế này thấy rất phấn khởi. Đầu ra thì nhiều đầu ra, mình đi lẻ cũng được. Hiện tại cung vẫn chưa đủ cầu nên cũng không phải lo lắng gì”.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nước tự động bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện Ia Grai tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, mô hình còn giúp nông dân trên địa bàn huyện đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức canh tác, nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết:
“Sau khi triển khai, dự án này đã đạt được những thành công như mong đợi. Năng suất trái đảm bảo, độ ngọt đạt tiêu chuẩn, chất lượng quả đồng đều. Mô hình này chúng tôi đã giới thiệu đến bà con tham quan học hỏi. CHúng tôi mong rắng dự án này được người dân ở địa phương áp dụng và nhân rộng để cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân”.
Dưa lưới là cây thuộc họ bầu bí, có thời gian sinh trưởng ngắn, mỗi năm trồng được khoảng 3 vụ nên hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích khá cao. Việc trồng trong nhà màng mặc dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao nhưng có thể sử dụng lâu dài. Giá thể gồm xơ dừa và phân hữu cơ có thể tái sử dụng cho những vụ tiếp sau khi đã qua xử lý. Do đó, chi phí cho vụ tiếp theo sẽ giảm được rất nhiều. Tuy nhiên khi trồng người dân cũng cần lưu ý một số vấn đề. Ông Phạm Hoài Danh- Trung tâm Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết: “
Người dân cần lưu ý đến hệ thống tưới và nguồn dinh dưỡng cho cây, cũng như kiểm soát nguồn bệnh tật, nhất là vào mùa mưa, độ ẩm cao thì sâu bệnh phát triển mạnh. Bà con cần bám sát vườn và tạo độ thông thoáng để tạo độ quang hợp cho cây vì dưa lưới ưa nắng.”
Mô hình “trồng dưa lưới trong nhà màng”đã mở ra hướng đi triển vọng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ia Grai. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển./.
Minh Thoan – Phương Lộc