Gia Lai hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

14/11/2022
(GLO)- Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Gia Lai có nhiều hoạt động để kết nối mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số với cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
 
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Theo đó, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề nhận thức và thói quen. Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở KH-ĐT-cho biết: Chuyển đổi số là bước phát triển khách quan, nghĩa là chúng ta muốn phát triển, không bị bỏ lại phía sau thì phải thực hiện, không có con đường nào khác. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh còn nhiều hạn chế, nhỏ lẻ, manh mún. Thực tiễn cho thấy, chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.
images3204338_1haduy.jpg
Khách hàng tham quan, tìm hiểu sản phẩm của Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện (xã Đê Ar, huyện Mang Yang). Ảnh: Hà Duy
 

Theo ông Hoàng Văn Ngọc-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ mới phát triển quốc tế KTS Việt Nam: Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số mang lại thay đổi lớn, giúp một số doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển kỷ lục trong sản xuất kinh doanh. Nhiều tập đoàn lớn, lâu đời gặp khó khăn, trong khi các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ thì linh hoạt hơn nhờ áp dụng những mô hình kinh doanh mới. Nhưng cơ hội vẫn dành cho tất cả. Chuyển đổi số doanh nghiệp có thể thực hiện thông qua việc tư duy lại hướng kinh doanh, đánh giá lại chuỗi giá trị, kết nối lại với khách hàng và cấu trúc lại doanh nghiệp.
 


Ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của toàn xã hội. Doanh nghiệp đi trước sẽ thắng doanh nghiệp đi sau. Và sự thành công phụ thuộc rất lớn vào ý chí, quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp đó”.

Bởi có vai trò quan trọng và cấp thiết như vậy, thời gian qua, Sở KH-ĐT đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhanh chóng “hội nhập” vào công cuộc chuyển đổi số. Mới đây, Sở KH-ĐT phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ mới phát triển quốc tế KTS Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn “Hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số cho doanh nghiệp phát triển” cho hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã. Tại đây, các đại biểu được truyền đạt những kiến thức về lợi ích, giá trị và giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước; giới thiệu về nền tảng tích hợp 4 nhóm tính năng chính là mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, chat OTT, trình duyệt tìm kiếm và trang quản trị doanh nghiệp, qua đó doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm lên hệ thống kinh doanh trực tuyến, giúp giảm chi phí vận hành và giảm thiểu rủi ro. Theo nhà phát triển phần mềm, hệ thống cũng tạo sự kết nối giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước với các doanh nghiệp trên địa bàn để trao đổi về các ưu đãi, tình hình hoạt động kinh doanh, các chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi nhất định về tư duy trong việc áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn rất cần được hỗ trợ, hướng dẫn nhất định từ đơn vị chuyên môn. Bà Trần Thị Bích Danh-Giám đốc Công ty Sâm Ngọc Linh Bích Danh (17 Nguyễn Trường Tộ, TP. Pleiku) bày tỏ: “Để phát triển hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp không thể cứ mãi buôn bán theo kiểu truyền thống mà phải theo kịp sự phát triển của công nghệ 4.0. Tôi cũng đã khá nhiều lần đến các tỉnh, thành phố khác để học hỏi kinh nghiệm về chuyển đổi số, dần dần thay đổi thói quen buôn bán bằng việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua các sàn giao dịch điện tử, các kênh Zalo, Facebook... Nhờ vậy mà số lượng hàng hóa bán ra nhiều hơn trước rất nhiều. Sắp tới, tôi muốn mở rộng thị trường sang nước ngoài, trước mắt là sang Singapore. Quá trình mở rộng thị trường này không thể không dựa vào việc chuyển đổi số”.

Còn ông Lê Sỹ Diện-Giám đốc Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) chia sẻ: “Hợp tác xã thành lập chưa được bao lâu. Dù có nhiều sản phẩm chất lượng, đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh nhưng thị trường cũng còn hạn chế. Tôi may mắn được tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã mà Sở KH-ĐT tổ chức, qua đó được giới thiệu các nền tảng, ứng dụng, các sàn giao dịch thương mại điện tử rất thuận tiện cho người làm kinh doanh”.

Hiện nay, Bộ KH-ĐT đang triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với 6 nhóm hoạt động chính: xây dựng công cụ, tài liệu kiến thức; đào tạo chuyển đổi số; phát triển mạng lưới chuyên gia; hỗ trợ tư vấn chuyên sâu; hỗ trợ giải pháp; truyền thông. Bộ cũng đang triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật; xây dựng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng, tài liệu hướng dẫn, đào tạo tư vấn, nâng cao nhận thức. Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan, doanh nghiệp Gia Lai sẽ ngày càng lớn mạnh, phát triển bền vững.

Trích Nguồn Báo Gia Lai

Lượt xem: 7
Các tin khác
    Gói hỗ trợ lần 2: Trọng tâm là chính sách để doanh nghiệp phục hồi ... Gói hỗ trợ lần 2: Trọng tâm là chính sách để doanh nghiệp phục hồi và phát triển
    Doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợ... Doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp diễn biến của dịch bệnh Covid –
    Cơ chế thu hút đầu tư Cơ chế thu hút đầu tư
    HỘI NGHỊ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH GIA LAI NĂM 2022 HỘI NGHỊ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH GIA LAI NĂM 2022
    Cụm liên kết ngành tạo cơ hội để doanh nghiệp Gia Lai nâng cao năng... Cụm liên kết ngành tạo cơ hội để doanh nghiệp Gia Lai nâng cao năng lực cạnh tranh