"Dệt áo" cho chiêng

16/02/2021
(GLO)- Ông Ksor Hơn (82 tuổi, ở làng Mít Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai) luôn coi chiêng như máu thịt. Hơn 60 năm qua, ông đã tỉ mẩn “dệt áo” cho chiêng như dệt nên những mùa xuân của đời mình. 
 
Từng cõng chiêng chạy giặc sang tận đất Campuchia, dành cho chiêng căn phòng đẹp nhất trong ngôi nhà xây khang trang và từ chối tất cả những người ngỏ ý mua chiêng quý với giá rất cao, ông Ksor Hơn quyết giữ chiêng với niềm tin mạnh mẽ: “chiêng còn thì người còn”.
 
Xuân về, chiêng có “áo mới”
 
Khi chúng tôi tới thăm nhà, ông Ksor Hơn đang hoàn thành nốt công đoạn cuối cùng, đó là cài hoa lên “vai áo” cho chiêng. Ông dùng chiếc kéo cẩn thận cắt một miếng vải đỏ mới và tỉ mỉ kết thành bông hoa hồng. Hai bông hồng được gắn vào 2 vai áo rất đẹp mắt. Dù tuổi đã cao nhưng nhiều năm nay, ông vẫn duy trì việc “dệt áo” mới cho chiêng để thay thế cho những bộ đã sờn vai.
 
Ông Ksor Hơn cùng người con gái bê 9 bộ chiêng, trong đó có 4 bộ chiêng quý xếp thành từng hàng để cho chúng tôi chiêm ngưỡng. Ông cẩn thận cởi từng “chiếc áo” cho chiêng. Mỗi chiếc chiêng quý của ông được mặc đến 2 lớp áo: lớp trong là áo vải (tấm vải đẹp nhất ông mua được), áo ngoài được dệt bằng song mây vô cùng tỉ mỉ. Chúng tôi chạm tay vào “tấm áo” được dệt bằng mây, ngỡ ngàng khi cảm nhận được từng mối đan mềm mịn như nhung.
1.jpg
Ông Ksor Hơn hướng dẫn tác giả cách cài “khuy áo” cho chiêng. Ảnh: Phương Loan
 
Ở cái tuổi mà nhiều người mắt đã mờ, tay đã run, đôi tai không còn tinh tường nhưng ông Ksor Hơn vẫn rất minh mẫn, đôi mắt tinh anh, bàn tay tài hoa rắn rỏi. Mỗi chiếc “áo chiêng” của ông có thể được coi là một tác phẩm nghệ thuật bởi họa tiết tinh tế, đẹp mắt, màu sắc tươi sáng.
 
Với sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, nhiều “chiếc áo” chiêng của ông phải mất tới vài tháng mới hoàn thành. Ông không cho phép mình dễ dãi với bất kỳ công đoạn nào. Từ khâu chọn song mây, vuốt sợi, sấy khô bằng khói rơm đến chọn họa tiết… ông đều cẩn thận nâng niu.
 
Ông nói: “Để dệt được “chiếc áo” chiêng ưng cái bụng, tôi phải chọn cây song mây vừa đến độ. Nếu mây già quá thì khi pha sợi sẽ bị giòn, dễ gãy, còn mây non lại kém dẻo dai”.  
 
Việc chọn nguyên liệu “dệt áo” cho chiêng cũng không hề đơn giản. Ông bảo, ngày trước, Thần Rừng ở quanh nhà nên cây song mây dễ kiếm, ra ngõ là có, thỏa sức mà lựa chọn, còn bây giờ thì khó hơn nhiều.
 
“Mấy năm trước, ông chèo thuyền độc mộc vượt sông Pô Cô qua Campuchia kiếm cây mây về đan “áo” cho chiêng. Nhưng giờ ông yếu rồi, không đi xa được nữa. Lâu lâu, ông đi vào rừng tìm song mây, con cháu phải theo đi cùng mới yên cái bụng”-chị Rơ Châm Dấp, con gái út của ông góp chuyện với chúng tôi.
2.jpg
Không chỉ “dệt áo” cho chiêng nhà mình, nhiều “cái cồng con chiêng” trong làng cũng được ông Ksor Hơn khoác lên mình “tấm áo” mới. Ông đan không công nhưng vẫn rất cẩn thận, chỉn chu.
 
Ngoài “dệt áo”, cài hoa, ông còn làm vòng cườm cho chiêng. Mỗi chiếc chiêng đều được ông đeo lên một vòng cườm nhiều màu sắc có gắn lục lạc đồng nhỏ. Ngoài giá trị làm đẹp, những chiếc vòng cườm này trở thành chuông báo động mỗi khi có ai đụng đến chiêng.
 
Thấy chúng tôi tỏ ý ngạc nhiên khi biết ông dành tất cả tình cảm cho chiêng, ông Ksor Hơn cười móm mém: “Tất cả những gì dành cho cồng chiêng đều phải đẹp, kể cả tấm lòng”.
 
“Kho báu” giữa đại ngàn
 
Nắm đôi bàn tay tài hoa đầy những vết sần của thời gian, chúng tôi say sưa nghe ông kể chuyện cõng chiêng chạy giặc. Năm 1962, ông giác ngộ cách mạng và tham gia bộ đội đánh Mỹ. Năm 1965, Mỹ thả bom, làng mạc xơ xác, bà con phải di tản.
 
Trước khi đi, nhà nào cũng phải đào hầm chôn giấu tài sản như: chum, ché và các vật dụng khác, nhưng riêng cồng chiêng thì không gia đình nào để lại. Bố vợ ông đan những cái rọ mây để 5 người đàn ông trong nhà cõng 9 bộ chiêng của gia đình vượt sông Pô Cô sang Campuchia lánh nạn. 
 
Giữ cồng chiêng như tính mạng, những thanh âm vang vọng của chiêng vì thế cũng ngấm vào máu thịt ông. Ông thuộc hàng chục bài chiêng, chỉnh âm thanh chuẩn xác cho từng chiếc và sẵn sàng truyền dạy tất cả cho thế hệ trẻ. Không giữ lại gì cho riêng mình, nhiều năm nay, ông Ksor Hơn tham gia truyền dạy cồng chiêng cho trẻ em và lớp thanh niên của làng Mít Jep.
 
Anh Rơ Mah Yiu-cán bộ văn hóa xã Ia O-cho biết: “Ông Ksor Hơn chưa được cấp có thẩm quyền công nhận là nghệ nhân nhưng trong lòng dân làng khắp vùng biên giới Ia O, ông đã có được danh hiệu ấy từ lâu. Và với những người làm văn hóa như chúng tôi, ông Ksor Hơn chính là “kho báu” giữa đại ngàn”.
3.jpg
Ông Ksor Hơn luôn coi cồng chiêng như máu thịt của mình. Ảnh: Nguyễn Giang
Được cha ông “truyền lửa” nên ngoài cồng chiêng, ông Ksor Hơn còn đam mê các loại nhạc cụ dân tộc. Không chỉ chơi giỏi, ông còn tự tay chế tác nhiều loại nhạc cụ như: đàn goong, t’rưng… Dạo một khúc nhạc bằng chiếc đàn goong cho chúng tôi nghe nhưng đôi mắt của ông luôn tha thiết hướng về phía vợ mình như thầm cảm ơn bà đã chọn ông, cảm ơn gia đình bà đã tin tưởng trao lại hồn cốt dân tộc cho ông gìn giữ.  
 
Ông kể: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm. Nếu chỉ bán bớt một bộ chiêng là có tiền ngay. Nhưng trong mưa bom bão đạn, cha mẹ còn gìn giữ được, bây giờ gặp khó khăn mà mang chiêng bán thì sau này về với Atâu, tôi làm sao gặp mặt họ. Hơn nữa, tôi vẫn tin trong mỗi chiếc chiêng đều có Yàng trú ngụ, có nhiều chiêng thì có nhiều vị thần phù hộ cho mình khỏe mạnh, làm ăn phát đạt”. 
 
Từ niềm tin thiêng liêng ấy, ông Ksor Hơn đã dìu dắt gia đình mình vượt qua biết bao gian khó để có được cuộc sống sung túc như hôm nay. Ông được biết đến là người tài hoa về đan lát, chỉnh chiêng chuẩn, chế tác nhạc cụ hay và là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Gia đình ông có nhiều nương rẫy, heo bò và 2 ha cao su, nhà cửa được xây dựng khang trang, cháu nội cháu ngoại đông đủ.
 
Chào ông ra về khi những cây xanh trước nhà ông đang đua nhau đâm chồi nảy lộc đón xuân đầy sức sống, chúng tôi tin rằng, những giá trị của văn hóa dân tộc bản địa trên vùng biên giới Ia O sẽ mãi mãi được lưu truyền. 
 
PHƯƠNG LOAN-NGUYỄN GIANG(Bao Gia Lai)
Lượt xem: 49
Các tin khác
    Tuổi trẻ Gia Lai chung tay phòng-chống dịch Covid-19 Tuổi trẻ Gia Lai chung tay phòng-chống dịch Covid-19
    Biên cương những ngày cuối năm Biên cương những ngày cuối năm
    Gia Lai: Vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phòng ngừa dịc... Gia Lai: Vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phòng ngừa dịch bệnh
    "Dệt áo" cho chiêng "Dệt áo" cho chiêng
    Khởi sắc ở vùng biên giới Ia Grai Khởi sắc ở vùng biên giới Ia Grai
    UBND xã Ia O tổ chức lễ công nhận làng Dăng đạt chuẩn NTM năm 2021 UBND xã Ia O tổ chức lễ công nhận làng Dăng đạt chuẩn NTM năm 2021