ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CÁC MẶT XÃ IA GRĂNG
1. Đặc điểm địa giới hành chính, điều kiện tự nhiên:
Xã Ia Grăng, huyện Ia Grai nằm về phía Tây - Bắc của trung tâm thị trấn Ia Kha, nằm trong khoảng toạ độ địa lý 13o56’36” đến 14o04’38” độ vĩ bắc và 107o50’49” đến 108o41’22” độ kinh đông.
Vị trí tiếp giáp với các xã như sau: Phía Bắc giáp xã Ia Bă, huyện Ia Grai; Phía Nam giáp với xã Ia Tô, huyện Ia Grai; Phía Đông giáp với xã Ia Hrung và thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai; Phía Tây Bắc giáp với xã Ia Khai, huyện Ia Grai.
Tổng diện tích đất tự nhiên của Xã Ia Grăng tính đến 31/12/2014 là 10111,72 ha, trong đó: Đất nông nghiệp là 8269,84 ha, chiếm 81,78 % tổng diện tích tự nhiên; Đất phi nông nghiệp là 845,2 ha, chiếm 8,36% tổng diện tích tự nhiên; Đất chưa sử dụng là 996,67 ha, chiếm 9,86 % tổng diện tích đất tự nhiên.
Xã Ia Grăng có địa hình dốc, độ cao trung bình 580 - 650 m so với mặt nước biển, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa cao nguyên, tổng nhiệt độ năm 22-250C (Giao động trong khoảng 18-300 C, lượng mưa 2.400-2.800 mm. Khí hậu của vùng nóng, ẩm thích hợp với cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, nhất là cà phê, cao su, đào lộn hột, bò thịt…)
Trên địa bàn xã Ia Grăng có hệ thống sông Ia Grai chảy qua, đây là con sông lớn, có vị trí rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, chiều dài dòng chảy qua xã hơn 15 km. Ngoài ra, trên địa bàn còn có các suối khác như suối Ia Châm, Ia Grăng…. Hệ thống sông ngòi trên địa bàn đều có độ dốc lớn do đó có nguồn thuỷ năng dồi dào có thể phát triển các công trình thuỷ điện nhỏ, xây đắp đập để dự trữ nước vào mùa khô, hiện tại trên địa bàn xã có 02 Công ty thủy điện, 01 Công ty cà phê đứng chân trên địa bàn.
Theo kết quả kiểm kê diện tích đất nông nghiệp xã Ia Grăng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Toàn xã có 3.047,1 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng tự nhiên sản xuất là 2.499,34 ha, đất có rừng trồng sản xuất là 47,7 ha, đất rừng sản xuất 500,06 ha.
Với diện tích rừng khá lớn cùng với sự đa dạng của địa hình, khí hậu nên số lượng và chủng loại động, thực vật kha đa dạng. Tuy nhiên do nạn phá rừng cùng với săn bắn khai thác bừa bãi... đã làm cho nguồn tài nguyên ngày càng bị suy giảm về số lượng.
2. Tình hình văn hóa - xã hội:
Xã Ia Grăng có 07 thôn, làng với tổng số hộ là 1073 hộ, 4224 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Jơrai có 757 hộ, 3068 nhân khẩu chiếm 71%, dân tộc kinh: 305 hộ, 1104 nhân khẩu chiếm 28 %, còn lại là dân tộc Thái, Tày, Hmông, Mường, Hre, Sán Chỉ có 11 hộ, 52 nhân khẩu chiếm 1%.
Nền kinh tế chính của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính với lao động làm nghề nông chiếm 74,57% . Chủ yếu là trồng cây công nghiệp dài ngày cụ thể: Diện tích cà phê 706 ha, hồ tiêu 20,1 ha, điều 551 ha, cao su 152…
- Giao thông: Tuy là một xã mới thành lập nhưng xã có tổng diện tích đất dành cho giao thông tính đến năm 2017 là 82,22 ha, đã nhựa hóa được trên 13/13km tuyến đường liên xã. Các làng đều nằm trên trục đường chính (đường liên xã cũng là đường chính của làng). Làng Khớp, làng Gộc và làng Mèo tuy không nằm trên trục đường chính nhưng đều được nhựa hóa cho con đường chính của làng. Một số con đường để bà con đi làm tương đối dễ đi, nhưng cũng có đường nhỏ làm ảnh hưởng tới việc vận chuyển hàng nông sản của người dân…
- Thủy lợi: Toàn xã có tổng diện tích đất thủy lợi là 14,0 ha. Đã được bố trí các kênh mương dẫn nước phục vụ cho tưới tiêu và sinh hoạt. Ngoài ra còn có các đập chứa nước của nhà máy thủy điện đây là nguồn nước dự trữ cho các mùa khô hạn của địa phương.
- Năng lượng và Bưu chính viễn thông: Điểm bưu điện văn hóa xã và các dịch vụ điện thoại công cộng đã phục vụ tương đối tốt cho người dân. Các mạng điện thoại di động đang được đầu tư phát triển trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp, trao đổi thông tin, góp phần đáng kể trong việc trao đổi thông tin và nâng cao dân trí.
- Nước sạch: Nước sinh hoạt cho vùng nông thôn hiện nay chủ yếu sử dụng nước giếng đối với người Kinh và giọt nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Do mực nước ngầm không sâu nên các giếng đào chỉ sâu khoảng từ 15 - 23 m, trữ lượng nước lớn.
- Giáo dục - đào tạo: Trong những năm qua ngành giáo dục của xã có những cố gắng lớn nhằm bắt kịp với mục tiêu chung của toàn huyện. Cơ sở vật chất cho công tác dạy và học ngày càng nâng cao. Đội ngũ giáo viên được nâng lên đạt chuẩn quốc gia. Công tác xã hội hoá giáo dục có những tiến bộ nhất định, bước đầu huy động toàn xã hội quan tâm công tác giáo dục.
Theo thống kê hàng năm, vào đầu những năm học số lượng học sinh trong độ tuổi đi học là khá cao trên 96%, tuy nhiên số lượng học sinh bỏ học vẫn con xảy ra. Vì vậy làm ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số cuối năm học của các cấp học.
- Công tác y tế: Trạm y tế xã có diện tích là 0,35 ha, và được công nhận là Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Nhìn chung những năm qua Trạm y tế xã đã duy trì tốt lịch trực khám, các chường trình y tế quốc gia đều đạt chỉ tiêu, đảm bảo cơ sở vật chất và phối hợp thành công với các y, bác sĩ chuyên ngành cấp trên tăng cường về địa phương tạo bước chuyển biến tích cực trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
- Văn hoá - thể dục, thể thao: Xã có thành phần dân tộc chủ yếu là dân tộc Jarai nên có nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tây nguyên. Vào các ngày lễ, tết xã đều có các hoạt động thiết thực chào mừng như giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao tạo không khí hân hoan trong các tầng lớp dân nhân. Những ngày này người dân thường tập trung tại các khu trung tâm của làng và tổ chức các trò chơi truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Tây nguyên. Đến nay xã cũng đã xây dựng được 07/07 nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, đồng thời cũng đã và đang bố trí các sân thể thao cho các làng nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa – thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân.
3. Quốc phòng quân sự địa phương – An ninh:
Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo huy động lực lượng khi có tình huống xảy ra, tổ chức quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Mệnh lệnh về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên cử các lực lượng xuống các thôn, làng để nắm bắt tình ANCT-TTATXH, đồng thời chỉ đạo lực lượng Dân quân thực hiện tốt nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các Ngày lễ trọng đại của Đất nước của địa phương; luôn phối hợp tốt với các ban ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền Luật nghĩa vụ quân sự đến với người dân.
Xác định xã Ia Grăng là một trong những xã trọng điểm về tình hình an ninh chính trị, vì vậy, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng Công an xã phối hợp với các ban, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý giáo dục đối tượng tại cộng đồng; xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng chống trốn, vượt biên trái phép, tăng cường công tác tuyên truyền các đường lối chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước để vận động, giáo dục, tuyên truyền nhân dân không bị lợi dụng lôi kéo của phản động bên ngoài; chỉ đạo Công an xã bám địa bàn, nắm dân và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan thực hiện các biện pháp công tác bảo vệ an ninh chính trị, tăng cường công tác quản lý nhân hộ khẩu, củng cố hoạt động của các Tổ tự quản tại các thôn, làng, triển khai các biện pháp giúp đỡ các đối tượng hoà nhập cộng đồng.
4. Thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách:
Trong những năm qua, xã nhà đã triển khai thực hiện kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật theo đúng kê shoạch đề ra, tổ chức các hội nghị triển khai các văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành cho nhân dân địa phương, thành lập Tổ hoà giải ở xã và Hoà giải viên ở cơ sở, đồng thời cấp phát đầy đủ các tài liệu liên quan như tờ rơi, cuốn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số, cuốn sổ tay tìm hiểu pháp luật về quyền dân sự…
Cấp ủy và chính quyền luôn quan tâm chăm lo, đời sống của hộ nghèo, hộ gia đình chính sách nhất là vào dịp lễ, tết, tuyệt đối không để hộ dân thiếu đói trong lúc giáp hạt, ngày tết. Thường xuyên quan tâm động viên kịp thời người có uy tín trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn, chương trình, dự án để giúp hộ nghèo thoát nghèo, thực hiện đầy đủ các chính sách cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, đảm bảo đời sống cho hộ nghèo, người có thu nhập thấp; thực hiện đánh giá bình xét hộ nghèo tưng năm đảm bảo khách quan, công khai, dân chủ, tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân.
5. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội:
Phát triển kinh tế xã hội gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đúng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đúng kế hoạch; đảm bảo an ninh chính trị và an toàn xã hội bằng các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.