Ý nghĩa từ một Dự án bảo tồn di sản

06/06/2022
Đầu tháng 12/2021, Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai đã tiếp nhận dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Jrai ở xã biên giới Ia O” do Hội đồng Anh tài trợ. Sau gần 6 tháng triển khai thực hiện, đến nay, dự án đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra, qua đó góp phần bảo tồn 2 loại hình di sản của người Jrai trên xã biên giới của huyện Ia Grai.
 
 
ANH-Y-NGHIA-TU-DU-AN.JPG
Ảnh: Tập hợp thuyền độc mộc để sửa chữa – Minh Thoan
Dự án bao gồm các hoạt động: mở lớp giảng dạy chỉnh chiêng, đánh chiêng, đẽo thuyền, chèo thuyền; sửa chữa, bảo trì thuyền độc mộc và một số hoạt động truyền thông.
Sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị, đầu tháng tư vừa qua, tại nhà rông làng Mít Jép, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai phối hợp với xã Ia O tổ chức lớp "truyền dẫn chỉnh chiêng, đánh chiêng". Tham gia lớp học có 30 học viên trên địa bàn xã Ia O. Trong thời gian 8 ngày, lớp học đã được 2 nghệ nhân truyền dạy cách đánh chiêng; hướng dẫn, phổ biến một số bài chiêng cơ bản và chỉnh sửa cồng chiêng. Với tinh thần trách nhiệm cao, các nghệ nhân đã chỉnh sửa cho các học viên từng động tác, dạy từng nhịp chiêng, cách di chuyển, cũng như cách nhận biết âm thanh những chiếc chiêng lạc nhịp và hướng dẫn chỉnh sửa cơ bản. Ông Rơ Châm Lin -Nghệ nhân dạy lớp cồng chiêng cho biết: “Mình dạy cho các học viên cách cầm chiêng cho đúng; cách đánh chiêng, một số bài chiêng cơ bản…”.
Sau lớp truyền dạy chỉnh chiêng, đánh chiêng, giữa tháng tư, lớp truyền dạy đẽo và chèo thuyền độc mộc xã Ia O đã được khai mạc tại nhà rông làng Bi. Lớp học có 2 nghệ nhân “đứng lớp” và có 30 thanh niên trong làng tham gia. Các học viên được các nghệ nhân truyền dạy cách đẽo thuyền, chèo thuyền, kể các câu chuyện liên quan đến thuyền độc mộc; mô tả cách đẽo thuyền của cha ông ngày xưa. Đây là hoạt động chính của dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Jrai ở xã biên giới Ia O”.
Tuy lớp học chỉ thực hành trên một khúc gỗ tạp nhỏ do bà con thực hiện nghiêm việc bảo vệ rừng nhưng diễn ra rất sôi nổi, học viên hào hứng nghe các nghệ nhân truyền dạy. Lớp học không chỉ thu hút các học viên mà nhiều bà con cũng tham gia nghe giảng. Anh Siu Quan (Làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai) cho biết: “Được Hội đồng Anh tài trợ nên mình được tham gia lớp học về thuyền độc mộc. Nhờ lớp học mình nhớ về truyền thống của dân tộc; góp phần bảo tồn di sản của ông cha mình để lại”.
Một trong những hoạt động quan trọng của dự án là sửa chữa, bảo trì 10 chiếc thuyền độc mộc với kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/thuyền. Những chiếc thuyền ngược xuôi dòng Pô Cô, lên thác xuống ghềnh, chịu va đập nhiều, cộng với thời gian nên hầu hết đều không còn nguyên vẹn. Theo phong tục của người Jrai ở đây, những chiếc thuyền mục nát, hư hỏng không còn sử dụng được bà con sẽ thả trôi theo con nước. Do đó, số lượng thuyền độc mộc còn lưu giữ đến ngày nay không còn nhiều. Qua rà soát chỉ còn 2 làng Kloong và làng Bi còn lưu giữ được hơn chục chiếc thuyền. Ông Siu Pên (Trưởng thôn làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của Dự án hội đồng Anh, làng mình được sửa thuyền độc mộc, giữ gìn lại thuyền độc mộc. Dân làng rất phấn khởi. Bà con rất cảm ơn”.   
Việc triển khai dự án là hết sức thiết thực, qua đó gìn giữ, bảo tồn giá trị không gian văn hoá cồng chiêng và thuyền độc mộc trong đời sống đồng bào Jrai trên địa bàn. Dự án đã khơi nguồn cảm hứng để các nghệ nhân và người dân ý thức rõ hơn những giá trị văn hóa mà họ đang sở hữu, từ đó chung tay bảo tồn. Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Khi chính quyền địa phương tiếp nhận được dự án, thì đây à một trong dự án quan trọng, thiết thực, góp phần giúp đỡ bà con nhân dân, bảo tồn, duy trì phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng và bảo tồn, giữ gìn nét đẹp thuyền độc mộc. Việc giữ gìn thuyền độc mộc, góp phần duy trì cuộc sống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, những dự án như thế này đã tác động tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần của bà con DTTS ở xã biên giới Ia O. Và từ dự án này, cộng đồng người Jrai có thêm động lực, thắp lửa lòng đam mê, lòng tự hào dân tộc đoàn kết một lòng lưu giữ kho tàng văn hóa đặc sắc của dân tộc./.
Minh Thoan
Lượt xem: 71
Các tin khác
    Chương trình “gọi yêu thương giữa đại ngàn” tại xã Ia Grăng Chương trình “gọi yêu thương giữa đại ngàn” tại xã Ia Grăng
    Bàn giao 2 nhà tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo Bàn giao 2 nhà tình thương cho hội viên phụ nữ nghèo
    Hiệu quả từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” Hiệu quả từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”
    Nuôi dê Boer lai cho thu nhập cao Nuôi dê Boer lai cho thu nhập cao
    Nuôi gà thả vườn cho thu nhập ổn định Nuôi gà thả vườn cho thu nhập ổn định