Xã Ia O tích cực tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn cồng chiêng

21/02/2022
Hiện nay xã Ia O là địa phương lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng quý nhất huyện Ia Grai. Để có được kết quả này, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn xã luôn nâng cao ý thức bảo tồn cồng chiêng.
 
 
CONG-CHIENG-IA-O.JPG
Ảnh: Ông Ksor Hơn cất giữ cồng chiêng cẩn thận– Minh Thoan
Từ xa xưa, với người Jrai ở xã biên giới Ia O, Cồng chiêng không chỉ là sự kết tinh của những gì tinh tuý nhất, là niềm kiêu hãnh, là hồn cốt của người Jrai mà đó còn là phương tiện gắn kết con người, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Cũng như người Jrai ở địa phương khác, người Jrai ở xã Ia O từ lúc lọt lòng đến khi về với Atâu đều có sự hiện diện và đồng hành của tiếng cồng, tiếng chiêng. Những người trụ cột trong gia đình sẽ thực hiện việc truyền dạy con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Theo chân anh Ksor Hyui, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Ia O, chúng tôi đến nhà ông Ksor Hơn, làng Mít Jép- người còn giữ 6 bộ chiêng, trong đó 2 chiếc chiêng quý. Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng già Hơn vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh lắm. Tiếp chúng tôi ông nói: có cán bộ văn hóa mình mới kể chuyện chiêng và cho xem chiêng chứ người lạ mình không cho xem đâu. Một căn phòng được ông dành riêng để cất giữ, bảo vệ chiêng, những chiếc chiêng được ông "mặc áo" cẩn thận, nâng niu như chính đứa con của mình vậy.
Trong số những chiếc chiêng ông đang lưu giữ, chiếc chiêng Pom ông phải bán 2 con bò, 1 con trâu, 1 kho thóc, cùng với rất nhiều tiền mới mua được. Còn chiếc chiêng Pat cách đây 8 năm ông mua với giá 260 triệu, nay nhiều người tìm đến trả giá 5- 6 trăm triệu, ông vẫn không bán. Ông bảo: trong mưa bom bão đạn, cha mẹ mình còn gìn giữ được, giờ mà bán chiêng thì sau này mình về với A Tâu rồi làm sao gặp được cha mẹ. Ông bảo: đời mình sẽ không bao giờ bán chiêng, mình để lại cho con cho cháu, mình cũng thường xuyên nhắc nhở con phải giữ gìn cồng chiêng như máu thịt vậy. Người còn thì chiêng còn. Ông Ksor Hơn, làng Mít Jep, xã Ia O, huyện Ia Grai nói: “Người Kinh thì để vàng lại cho con cháu. Giá vàng bao nhiêu mình không biết. Phong tục người Jrai thì để chiêng lại cho con. Hiểu chiêng đẹp hay xấu...”.
Đến nay xã Ia O vẫn là địa phương lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng nhất huyện Ia Grai với gần 350 bộ chiêng, trong đó nhiều gia đình lưu giữ 5 đến 6 bộ chiêng quý. Để có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ văn hóa xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn cồng chiêng; nâng cao ý thức tự bảo quản. Hiện tại hầu hết những gia đình còn đang lưu giữ cồng chiêng trong xã đều dành một phòng riêng, lắp khóa cẩn thận để cất chiêng, nếu không phải người quen thì tuyệt đối không bao giờ cho xem. Anh Ksor Hyui, Cán bộ Văn hóa - xã hội xã Ia O, huyện Ia Grai cho biết: “Nói chung mình phải đi trực tiếp từng thôn làng để tuyên truyền, hướng dẫn, phải nhắc nhở bà con cất cho kỹ khỏi mất mát. Làm phòng riêng khóa lại…”
Tin rằng, với ý thức giữ gìn văn hóa cồng chiêng của người dân, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, tiếng cồng tiếng chiêng sẽ còn vang mãi trên miền biên viễn huyện Ia Grai./.
Minh Thoan
 
 
Lượt xem: 38
Các tin khác
    Tặng 400 suất quà cho người nghèo xã Ia Grăng và Ia Chía Tặng 400 suất quà cho người nghèo xã Ia Grăng và Ia Chía
    Bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo Bàn giao nhà tình thương cho hộ nghèo
    Ia Grai: Hoàn thành công tác Đại hội các Đoàn Trường THPT, nhiệm kỳ... Ia Grai: Hoàn thành công tác Đại hội các Đoàn Trường THPT, nhiệm kỳ 2020-2021
    Hiệu quả từ phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi,... Hiệu quả từ phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và g
    Lều Vũ Thanh: "Thủ lĩnh" Đoàn hết lòng vì thiếu nhi Lều Vũ Thanh: "Thủ lĩnh" Đoàn hết lòng vì thiếu nhi