Nỗ lực bảo tồn thuyền độc mộc trên xã biên giới Ia O

22/09/2022
Thuyền độc mộc từng là phương tiện phổ biến của đồng bào Jrai, xã Ia O sinh sống trên đôi bờ dòng sông Pô Cô huyền thoại. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều lí do nên những chiếc thuyền độc mộc cũng vắng bóng dần và có nguy cơ biến mất. Thời gian qua, chính quyền địa phương, người dân trên xã Ia O, huyện Ia Grai đang nỗ lực giữ gìn, bảo tồn những chiếc thuyền độc mộc còn lại. 
 
 
PS-Thuyen-doc-moc-(1).JPG
Ảnh: Một số người dân trên xã Ia O vẫn sử dụng thuyền độc mộc để làm phương tiện mưu sinh- Minh Thoan
Thuyền độc mộc được làm từ một thân cây nguyên khối có sức nổi, không bị nứt; loại cây được chọn thường là sao xanh hoặc bằng lăng. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ, thân cây được gọt, đẽo để thêm sức nâng và giảm bớt lực cản của nước khi di chuyển trên bề mặt nước. Những chiếc thuyền độc mộc xuất hiện trên xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai từ rất lâu đời, các già làng ở đây cũng không còn nhớ có từ bao giờ. Những thanh niên trai tráng trong làng khi trưởng thành hầu hết đều được ông, cha, chú truyền lại cho cách đẽo thuyền. Thanh niên học việc đều được các bậc cao niên dẫn vào rừng tìm cây để đẽo thuyền. Cây chọn phải dài hơn 10m, đường kính từ 0,4-0,6m thì mới đủ tiêu chuẩn. Các bước để làm ra chiếc thuyền độc mộc khá công phu, từ việc chọn cây, ra kích thước, làm mũi thuyền và đuôi thuyền, khoét lòng thuyền…sao cho chiếc thuyền thật đẹp và cân bằng khi những mái chèo khua nước. Điều đặc biệt là cây gỗ không phải to bằng chiếc thuyền hoàn chỉnh mà trong quá trình đẽo, người thợ sẽ dùng lửa đốt để nong rộng lòng thuyền. Già Ksor Bơng (Làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai) cho biết: “Đẽo đầu đuôi xong rồi mở miệng khoảng 2-3 phân rồi dùng dao, búa, đục, đẽo cho 2 bên đều. Xong đẽo bên ngoài cho đều, phẳng. Rồi ụp xuống đốt lửa cho ấm xong đến đoạn mở rộng lòng thuyền. Đoạn này cần đông người để giữ 2 bên để mở rộng dần dần. Chứ không phải mình cắt ra đâu”.
Ông Rmah Hyen là một trong những người đẽo thuyền, sử dụng thuyền độc mộc của xã Ia O từ ngày ông còn là thanh niên trai tráng. Mấy chục năm qua ông đã  đẽo được hơn chục chiếc thuyền nhưng nay chỉ còn lại một con thuyền duy nhất, số còn lại bị hư hỏng hết. Mặc dù được trả giá cao nhưng ông Hyen vẫn không bán chiếc thuyền còn lại này. Ông giữ lại nó không chỉ để làm phương tiện mưu sinh, mà còn để nhắc nhở, lưu giữ lại. Ông Rmah Hyen(Làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai) nói: “Thuyền này hai chục năm rồi nè. Nếu có gỗ mình làm tiếp làm thêm nữa, nhưng nay người ta không cho chặt gỗ, sao mà làm được, mình phải giữ lại thuyền ngày xưa. Giờ mình không bán, 10 triệu mình cũng không bán được. Mình dùng để đánh cá ngày cũng được mấy trăm ngàn, giữ lại cho con cháu nữa”.
Mặc dù có ý nghĩa đặc biệt, gắn liền với đời sống văn hóa của bà con dân tộc thiểu số sinh sống ven sông hồ, tuy nhiên, hiện nay số lượng thuyền độc mộc ở các làng giảm dần qua thời gian. Nguyên nhân là do thuyền bị hư hỏng trong quá trình sử dụng không được khắc phục, sửa chữa. Theo phong tục của ĐBDTTS ở đây, những chiếc thuyền không sử dụng được nữa thì đã thả trôi theo con nước. Trong khi đó chủ trương quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm ngặt nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tìm kiếm, khai thác gỗ rừng để làm thuyền độc mộc của bà con. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của thuyền máy hiện đại được làm bằng vỏ thép cũng là nguyên nhân khiến cho bóng dáng thuyền độc mộc ngày càng thưa dần. Tại xã Ia O, hiện chỉ có làng Kloong và làng Bi là còn lưu giữ được khoảng chục chiếc thuyền, trong đó nhiều chiếc cũng đã bị hư hỏng.
Để bảo tồn thuyền độc mộc, trong 2 năm gần đây, huyện Ia Grai đã tổ chức Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tại làng Dăng, xã Ia O, qua đó không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào J’rai mà còn kích cầu du lịch địa phương.  Bên cạnh đó, giữa tháng 4/2022, Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện phối hợp với UBND xã Ia O mở lớp truyền dạy đẽo và chèo thuyền độc mộc tại làng Bi. 30 học viên được các nghệ nhân truyền dạy cách đẽo thuyền, chèo thuyền, kể các câu chuyện liên quan đến thuyền độc mộc; mô tả cách đẽo thuyền của cha ông ngày xưa. Đây là hoạt động chính của dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuyền độc mộc và không gian văn hóa cồng chiêng của người Jrai ở xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai” do Hội đồng Anh trài trợ. Vì không có cây rừng to đủ tiêu chuẩn để làm thuyền, các học viên chỉ thực hành trên một khúc cây nhỏ nhưng  các học viên vẫn rất hào hứng nghe các nghệ nhân truyền dạy. Ông Rơ Châm Tho, Người truyền dạy lớp thuyền độc mộc chia sẻ: “Ở lớp học không có gỗ to nên giờ làm mô hình như thế này.  Mình đã dạy cho con cháu biết ngày xưa ông cha chú đã đẽo thuyền như thế nào, sử dụng thuyền độc mộc như thế nào. Qua đây góp phần nhắc nhở con cháu, bà con trong làng về truyền thống của dân tộc mình”.
Anh Siu Quan cho biết thêm: “Được Hội đồng Anh tài trợ nên mình được tham gia lớp học về thuyền độc mộc. Nhờ lớp học mình nhớ về truyền thống của dân tộc; góp phần bảo tồn di sản của ông cha mình để lại”.
Hy vọng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ huyện đến thôn, làng, sự chung tay của người dân, thuyền độc mộc sẽ còn mãi với thời gian; neo giữ dáng hình trên dòng sông Pô Cô huyền thoại./.
Minh Thoan
Lượt xem: 9
Các tin khác
    Lễ ra mắt Nông hội trồng cây ăn trái thôn Thanh Bình Lễ ra mắt Nông hội trồng cây ăn trái thôn Thanh Bình
    Hỗ trợ 10 con bò giống sinh sản cho người nghèo Hỗ trợ 10 con bò giống sinh sản cho người nghèo
    Ia Grai: Tặng heo giống cho phụ nữ nghèo Ia Grai: Tặng heo giống cho phụ nữ nghèo
    Hơn 400 tình nguyện viên tham gia hiến máu nhân đạo Hơn 400 tình nguyện viên tham gia hiến máu nhân đạo
    "Sắc xanh" trên biên giới "Sắc xanh" trên biên giới