Nông dân Ia Dêr xây dựng thương hiệu gạo sạch A Sanh

16/12/2020
Nhận thấy lợi thế từ mô hình gieo sạ giống lúa chất lượng cao JO2, HN6 tại huyện Ia Grai, các cấp chính quyền của huyện đã tạo điều kiện thành lập Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh lúa gạo xã Ia Dêr; nhằm tạo đầu mối cung ứng loại gạo chất lượng cao ra thị trường, và tiến tới xây dựng thương hiệu gạo sạch A Sanh, góp phần giúp nông dân tăng thu nhập và nâng cao đời sống.
 

Thuong-hieu-gao-A-Sanh-voi-chat-luong-gao-thom-ngon_-Anh-Phan-Thuong.jpgThương hiệu gạo A Sanh với chất lượng gạo thơm ngon. Ảnh Phan Thương

Trước đây, 5 sào ruộng của gia đình ông Ksor In ở làng Breng 2, xã Ia Dêr chủ yếu gieo sạ bằng giống lúa HT1, năng suất chỉ đạt 4 tạ/sào. Năm 2019, khi Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ia Grai triển khai gieo sạ giống lúa JO2, HN6 với diện tích 38 ha ở 3 xã Ia Dêr, Ia Hrung và xã Ia Sao; ông In là một trong những hộ đầu tiên đăng ký tham gia gieo sạ thử nghiệm giống lúa này với diện tích 1 sào. Sau khi canh tác giống lúa JO2, ông In nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn giống lúa hiện tại ở địa phương với năng suất gần 6 tạ/sào. Hiện ông In cũng là thành viên tham gia Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh lúa gạo xã Ia Dêr. Ông dự định tiếp tục đưa giống lúa JO2 vào gieo sạ trên những diện tích tích canh tác lúa còn lại của gia đình. Ông Ksor In, làng Breng 2, xã Ia Dêr nói: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu gieo sạ giống lúa HT1, sau đó chuyển sang giống lúa JO2. So với giống lúa khác thì giống lúa này đạt sản lượng cao hơn. Cơm từ giống lúa này ngon, dẻo và rất thơm.

Không chỉ ông Ksor In mà hầu hết các hộ dân trên địa bàn xã Ia Dêr khi được tham gia sản xuất thử nghiệm mô hình giống lúa JO2, HN6 đều rất hài lòng về chất lượng cũng như năng suất mà hai giống lúa này mang lại. Giống lúa chất lượng cao JO2, HN6 đạt năng suất 6 tạ/ha, giá bán từ 7,5 đến 8 nghìn/kg. Sau khi trừ chi phí nông dân có thể thu được hơn 100 triệu đồng/năm. Lúa sản xuất ra được Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh lúa gạo xã Ia Dêr thu mua về chế biến, đóng nhãn mác và bán ra thị trường. Giá lúa JO2 được Tổ hợp tác thu mua cao hơn so với các giống lúa khác nên người dân sản xuất lúa rất phấn khởi. Anh Rcom Nglut, làng Breng 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai nói: Tôi rất hài lòng khi trồng giống lúa này. Giống lúa JO2 năng suất cao hơn so với giống lúa bình thường. Cám ơn các cấp chính quyền đã tạo điều kiện cho chúng tôi được tiếp cận và trồng giống lúa này. Trong năm tới, dân làng tôi tiếp tục trồng giống lúa JO2 này vì ăn cơm ngon hơn, năng suất đạt cao hơn.

Thanh-vien-To-hop-tac_-Anh-Phan-Thuong.jpgThành viên Tổ hợp tác sản xuát lúa gạo xã Ia Dêr đang đóng gói gạo A Sanh. Ảnh Phan Thương

Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh lúa gạo xã Ia Dêr hiện có 42 thành viên tham gia. Các thành viên của Tổ hợp tác đều trực tiếp tham gia mô hình sản xuất giống lúa mới JO2 và HN6 với diện tích 16 ha. Tổ hợp tác đã phối hợp với Hợp tác xã Mật ong Phương Di thu mua lúa JO2 của bà con nông dân ở 3 xã Ia Dêr, Ia Hrung và Ia Sao và cho ra mắt sản phẩm gạo A Sanh, trong đó chủ yếu là giống lúa JO2. Hiện tại, Tổ hợp tác đã bán ra thị trường hơn 1 tấn gạo với giá 20.000 đồng/kg. Dự kiến, mỗi năm Tổ hợp tác sẽ cung ứng ra thị trường 10 tấn gạo/năm. Ông Ksor Tư, chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh lúa gạo xã Ia Dêr, huyện Ia Grai cho biết: Tổ hợp tác được thành lập với mong muốn mang lại sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, đảm bảo uy tín với khách hàng. Đặc biệt mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Gạo A Sanh được sản xuất theo hướng hữu cơ, đang được người tiêu dùng trên thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng vì cơm thơm, ngon. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích người dân đầu tư, mở rộng diện tích trồng giống lúa JO2 trên địa bàn xã. Hơn nữa, Ia Dêr có địa thế giáp với thành phố Pleiku, việc buôn bán trao đổi sản phẩm gạo A Sanh cũng thuận lợi hơn. Tổ hợp tác cũng mong muốn, sản phẩm gạo A Sanh không chỉ có giống lúa JO2 mà còn nhiều giống lúa khác nữa.

“Để góp phần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao A Sanh, Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh lúa gạo xã Ia Dêr luôn vận động người dân hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; sử dụng thuốc sinh học để phòng ngừa sâu bệnh...Tổ hợp tác cũng mong muốn các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành, vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao A Sanh; xây dựng thêm những mô hình sản xuất các giống lúa mới chất lượng cao để giúp nông dân tăng thu nhập và nâng cao đời sống từ nông nghiệp”- Chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh lúa gạo xã Ia Dêr nói thêm .

Phan Thương

Lượt xem: 5
Các tin khác
    "Sắc xanh" trên biên giới "Sắc xanh" trên biên giới
    Hiệu quả tích cực từ triển khai dự án “hỗ trợ chương trình tái canh... Hiệu quả tích cực từ triển khai dự án “hỗ trợ chương trình tái canh cà phê” ở huyện Ia Grai
    Ông Phạm Văn Khoa thành công với mô hình cây ăn trái Ông Phạm Văn Khoa thành công với mô hình cây ăn trái
    Bàn giao và đưa vào sử dụng giếng khoan cho người dân xã biên giới Bàn giao và đưa vào sử dụng giếng khoan cho người dân xã biên giới
    Hỗ trợ cây giống cho người nghèo Hỗ trợ cây giống cho người nghèo