NÔNG DÂN IA GRAI SẢN XUẤT LÚA CHẤT LƯỢNG CAO

12/11/2020

(GLO)- Để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao tại 3 xã: Ia Dêr, Ia Sao và Ia Hrung.
 
Trao đổi với P.V, ông Đỗ Xuân Hiền-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao J02 và HN6 đã giúp nông dân nắm vững và thực hành quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng lúa nước, thay thế giống lúa địa phương đã bị thoái hóa. Hiện giá bán gạo thương phẩm J02 dao động trong khoảng 15.000-18.000 đồng/kg nhưng giá gạo người dân bán cho thương lái chỉ ở mức 10.000-12.000 đồng/kg. Do đó, việc hỗ trợ nông dân hình thành tổ liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm là rất cần thiết và Tổ hợp tác đang bán được với giá 20.000 đồng/kg. Giống lúa chất lượng cao J02, HN6 đạt năng suất 6 tấn/ha, giá bán 7.500-8.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu được 15-18 triệu đồng/ha. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đề nghị UBND huyện quan tâm, tạo điều kiện bố trí nguồn kinh phí để triển khai dự án tại các địa phương khác và khuyến khích người dân nhân rộng mô hình này”-ông Hiền nhấn mạnh.

Bên cạnh đầu tư giống, chính quyền địa phương còn hỗ trợ nông dân thành lập tổ liên kết, tiêu thụ sản phẩm thông qua Hội Nông dân, Hội  Liên hiệp Phụ nữ và thành viên các hợp tác xã trên địa bàn huyện. Ông Ksor Tư-Chủ nhiệm Tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm lúa xã Ia Dêr-cho biết: “Xã mới thành lập Tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm lúa với 42 thành viên trực tiếp tham gia mô hình sản xuất giống lúa mới J02 và NH6. Trước mắt, chúng tôi phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để triển khai trồng và thu mua lúa gạo của người dân. Đồng thời, phối hợp với Hợp tác xã Mật ong Phương Di thu mua lúa gạo của bà con nông dân và cho ra mắt sản phẩm gạo A Sanh. Bước đầu, chúng tôi sẽ cung ứng ra thị trường 5-10 tấn gạo/năm”.

Tương tự, ông Ksor Vinh (làng Nang, xã Ia Sao) gieo trồng 3 sào lúa giống J02 và được huyện hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông và những hộ dân tham gia mô hình được cán bộ chuyên môn tập huấn, hướng dẫn cách làm đất, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa cũng như cách phòng trừ sâu bệnh. “Năng suất cao hơn nhiều so với giống lúa địa phương. Vụ tới, tôi tiếp tục trồng giống lúa mới này”-ông Vinh cho hay.

Là một trong những hộ tham gia mô hình, anh Ksor Bát (làng Brel, xã Ia Dêr) cho biết: Gia đình anh có 5 sào lúa nước 2 vụ. Trước đây, anh thường dùng giống lúa HT1 nên năng suất chỉ đạt 4-5 tạ/sào. “Khi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai giống lúa mới J02, tôi đăng ký sử dụng giống lúa này gieo sạ trên diện tích 1 sào. Sau khi thu hoạch, tôi thấy giống lúa J02 năng suất cao hơn giống lúa cũ 20-30%. Giống lúa J02 hạt tròn, cơm dẻo mềm, vị đậm ngọt, ăn ngon hơn. Những vụ tiếp theo, tôi sẽ gieo sạ giống lúa J02 trên toàn bộ diện tích 5 sào của gia đình”-anh Bát chia sẻ.Ảnh: Lê Nam
lua.jpgNông dân huyện Ia Grai phấn khởi khi giống lúa mới cho năng suất cao. 
Năm 2019, huyện Ia Grai gieo trồng 10.484 ha cây trồng các loại, trong đó có 4.779,5 ha cây lương thực, tổng sản lượng đạt 21.894 tấn, năng suất lúa Đông Xuân đạt bình quân 55,6 tạ/ha, lúa vụ mùa đạt 44,2 tạ/ha. Trên cơ sở kinh nghiệm từ năm trước, từ tháng 6 đến tháng 11-2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình liên kết tiêu thụ giống lúa chất lượng cao J02 và HN6. Mô hình có quy mô 38 ha (35 ha sản xuất giống J02) tại 3 xã: Ia Dêr, Ia Sao và Ia Hrung với 171 hộ dân tham gia. Với kinh phí thực hiện mô hình là 500 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp, huyện đã hỗ trợ 100% giống cho người dân tham gia mô hình, 50% kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; người dân đối ứng công và 50% kinh phí mua vật tư nông nghiệp.​
Nguồn Báo Gia Lai
Lượt xem: 2
Các tin khác
    "Sắc xanh" trên biên giới "Sắc xanh" trên biên giới
    Hiệu quả tích cực từ triển khai dự án “hỗ trợ chương trình tái canh... Hiệu quả tích cực từ triển khai dự án “hỗ trợ chương trình tái canh cà phê” ở huyện Ia Grai
    Ông Phạm Văn Khoa thành công với mô hình cây ăn trái Ông Phạm Văn Khoa thành công với mô hình cây ăn trái
    Bàn giao và đưa vào sử dụng giếng khoan cho người dân xã biên giới Bàn giao và đưa vào sử dụng giếng khoan cho người dân xã biên giới
    Hỗ trợ cây giống cho người nghèo Hỗ trợ cây giống cho người nghèo