Phát huy mô hình kinh tế tập thể

12/10/2021
Giai đoạn 2015-2020, huyện Ia Grai đã chú trọng đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể bằng việc thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Nông hội ở các xã thị trấn. Đến nay, bước đầu các mô hình kinh tế tập thể đã phát huy hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên.
 
 
So-ket-mo-hinh-kinh-te-tap-the0.jpg
Năm 2016, HTX Tâm Thành xã Ia Hrung được thành lập. Đây là mô hình kinh tế tập thể kiểu mới đầu tiên ở huyện Ia Grai. Đến thời điểm hiện tại, HTX Tâm Thành có 160 thành viên canh tác 230 ha cà phê ở các xã Ia Hrung, Ia Bă, Ia Der. Khi tham gia HTX, bà con xã viên thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác cà phê bền vững để giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận trên diện tích canh tác. Ngoài ra, HTX còn đứng ra ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp và thu mua sản phẩm.
 Ông Lê Tất Đỗ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tâm Thành, xã Ia Hrung huyện Ia Grai cho biết: “Trước khi có HTX thì hầu như bà con nông dân mạnh ai nấy làm, năng suất bấp bênh mà chất lượng sản phẩm thấp. Nhiều người không có tiền đầu tư phải ký nợ với các đại lý phân bón chịu lãi suất cao. Từ khi thành lập HTX Tâm Thành, chúng tôi đã liên kết sản xuất tạo điều kiện cho bà con xã viên những điều kiện tốt nhất để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên hạn chế được tình trạng bị thương lái ép giá. Đặc biệt hơn nữa là HTX đang phổ biến quy trình sản xuất cà phê sạch để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm và được thị trường ưa chuộng nên giá bán cao hơn, lợi nhuận tăng lên”.
Tại xã Ia Tô, đến nay đã thành lập 4 mô hình kinh tế tập thể gồm 2 HTX, 01 Nông hội và 01 tổ liên kết sản xuất. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 , khi TP.PleiKu áp dụng một số biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, phương tiện bị hạn chế ra vào địa bàn nên nhiều sản phẩm trái cây như sầu riêng, chôm chôm trên địa bàn xã bị ứ đọng không tiêu thụ được, thương lái ép giá. Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm, Nông hội trồng cây ăn trái thôn 7 và Tổ liên kết sản xuất cây ăn trái Thôn 6 xã Ia Tô đã chủ động liên hệ với các đơn vị thu mua, đồng thời đề xuất với các ngành chức năng huyện Ia Grai tạo điều kiện để thương lái đưa phương tiện vào tận vườn thu mua trái cây cho nông dân. Nhờ vậy trên 70 tấn chôm chôm, sầu riêng của xã đã được  tiêu thụ.
So-ket-mo-hinh-kinh-te-tap-the2.jpg
Trong số các mô hình kinh tế tập thể ở huyện Ia Grai hoạt động có hiệu quả phải kể đến Tổ hợp tác Nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr với thương hiệu gạo A.Sanh đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Tổ hợp tác liên kết với 42 hộ dân trên địa bàn xã Ia Dêr cùng góp vốn xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa J02 theo mô hình liên kết. Các hộ tham gia mô hình được cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và Tổ hợp tác sẽ thu mua toàn bộ lúa của bà con để sản suất gạo A.Sanh. Giống lúa J02 có nguồn gốc từ Nhật Bản, sinh trưởng và phát triển phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của xã Ia Dêr. Giống lúa này ít sâu bệnh, chống chịu hạn tốt, năng suất ước đạt trên 6 tấn/ha/vụ . Do chất lượng gạo thơm ngon nên hiện tại,  sản phẩm gạo A Sanh của HTX  không đủ cung ứng cho thị trường.
 “Để tăng lượng sản phẩm bán ra thị trường, thời gian tới chúng tôi vận động thêm nhiều hộ dân tham gia lên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời đặc biệt chú trọng đến chất lượng sản phẩm để không phụ lòng tin của người tiêu dùng”. Anh Ksor Tư, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr cho biết kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu trong thời gian tới.
Đến thời điểm hiện tại toàn huyện Ia Grai có 49 mô hình kinh tế tập thể đang hoạt động với phương châm “tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng” thu hút gần 5.000 thành viên tham gia. Trong đó có 14 HTX, 7 Nông hội và 28 tổ hợp tác và tổ hội nghề nghiệp….hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, bước đầu mô hình kinh tế tập thể đã phát huy hiệu quả, một số HTX, Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh có lãi, mang lại lợi nhuận cho xã viên, hội viên. Cái được lớn nhất của bà con nông dân khi tham gia mô hình kinh tế tập thể là được tập huấn, tiếp thu khoa học, kỹ thuật trồng thâm canh các loại cây trồng; mua phân bón, vật tư nông nghiệp với giá hợp lý và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, giá bán cao hơn. Đây là những lợi ích thiết thực mà mô hình kinh tế tập thể mang lại.
Tuy vậy, vẫn còn  có HTX, Tổ hợp tác hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Nguyên nhân chính là Ban quản trị HTX, Tổ hợp tác chưa năng động, sáng tạo và thiếu vốn đề đầu tư sản xuất kinh doanh, chưa theo kịp với thị trường.
Anh Nguyễn Văn Yên chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Ia Grăng cho biết: “Từ khi thành lập, mỗi năm HTX  cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn cá thành phẩm chủ yếu là cá diêu hồng, rô phi và cá trắm lợi nhuận đạt được từ 20 đến 30%. Do thiếu vốn đầu tư nên HTX chưa thể mở rộng quy mô nuôi cá nên chưa  đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong qua trình liên hệ tiêu thụ sản phẩm, một số đơn vị thu mua yêu cầu phải cung cấp mỗi ngày từ 1 đến 2 tạ cá. Do không thể đáp ứng nên không ký được hợp đồng”.
Để các mô hình kinh tế tập thể phát huy hiệu quả trong thời gian đến rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành các cấp, tạo điều kiện về vốn, hướng dẫn xây dựng chứng chỉ, thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời có chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý các mô hình kinh tế tập thể, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động mang lại lợi nhuận cho thành viên./.
                                                                  
Bạch Phương Lộc
Lượt xem: 24
Các tin khác
    Thẩm định 2 xã Ia Tô, Ia Sao đạt chuẩn nông thôn mới Thẩm định 2 xã Ia Tô, Ia Sao đạt chuẩn nông thôn mới
    Thẩm định 2 xã Ia Tô, Ia Sao đạt chuẩn nông thôn mới Thẩm định 2 xã Ia Tô, Ia Sao đạt chuẩn nông thôn mới
    Sáp nhập Phòng y tế vào Văn phòng HĐND-UBND huyện Sáp nhập Phòng y tế vào Văn phòng HĐND-UBND huyện
    Sáp nhập Phòng y tế vào Văn phòng HĐND-UBND huyện Sáp nhập Phòng y tế vào Văn phòng HĐND-UBND huyện
    Tập huấn về công tác bảo vệ Bí mật Nhà nước Tập huấn về công tác bảo vệ Bí mật Nhà nước